Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Các sai lầm của ký giả về khoa học xã hội

Tác giả: 
Vũ Văn An

 

Luôn có sự tranh chấp giữa các nhà khoa học xã hội và các ký giả tường trình về họ. Theo Sanjay Srivastava, nhà nghiên cứu v nhân cách tại Đại Học Oregon, điều này phát sinh từ “một căng thẳng căn bản giữa ước muốn mới lạ của giới truyền thông và phương pháp khoa học”, nói cách khác, giới truyền thông thích đi tìm những điều mới lạ để lôi cuốn người đọc, trong khi khoa học xã hội không nhắm điều ấy và cũng không có khả năng thoả mãn điều ấy.


Theo Brian Resnick của Vox Science and Health, thì Srivastava rất đúng. Các nhà báo luôn có nhu cầu phải tạo ra các hàng tít “dễ tiêu” có thể đem lại những điều học hỏi đơn giản, dễ hiểu và nhất là mới lạ. Nhưng phương pháp khoa học thì lại nhấn mạnh tới việc thu thập kiến thức một cách chậm chạp, các sắc thái, và cả hoài nghi nữa. Theo Srivastava, “Đến lúc một mẩu kiến thức khoa học nào đó vững chắc đủ để đáng được bạn bỏ tiền ra mua hay thay đổi đời sống theo, thì ý niệm ấy đã hết còn là mới lạ nữa rồi”.


"Thực hết sức hiếm hoi mới tìm được các mối liên hệ nhân/quả đơn giản trong một cuộc nghiên cứu về con người”.


Thành thử, các nhà báo thường hay viết những câu truyện bắt mắt nhằm lôi cuốn độc giả bình dân của họ mà quên mất bức tranh lớn hơn. Sự căng thẳng này sẽ không bao giờ chấm dứt.


Tuy nhiên, trong một cố gắng lấp hố ngăn cách trên, Brian Resnick đã hỏi nhiều tâm lý gia và khoa học gia xã hội một câu hỏi đơn giản: “Các nhà báo thường sai lần về điều gì nhất khi tường thuật các cuộc nghiên cứu của qúy vị?”. Anh đã nhận được 20 câu trả lời và sau đây là bản tóm lược các câu trả lời này.


1) Các nhà báo thường muốn có các câu trả ời rõ ràng về đời sống và các vấn đề xã hội. Nhưng các cuộc nghiên cứu cá thể không cung cấp được các câu trả lời này.


Trên các tạp chí viết về tâm lý học, người ta thường hay đọc được những tựa đề như:


• Đây khoa học chỉ cho ta cách để được hạnh phúc hơn.
• Đây là các chỉ dẫn của khoa học để làm việc hữu hiệu hơn.
• Đây là cách gia tăng các ngôn từ lịch thiệp giữa các thù địch chính trị.
• Đây là cách nuôi dưỡng những đứa trẻ biết thích ứng nhất.

 

Nhưng thực ra, ít khi các khoa học gia có thể “giải quyết” được bất cứ vấn đề nào như thế bằng một cuộc nghiên cứu hay tìm tòi riêng rẽ. Những câu hỏi như thế đòi cả hàng chục năm mới hy vọng tìm ra manh mối.


Jason Reifler, một nhà khoa học về chính trị tại Đại Học Exeter viết: “Chính tôi cũng muốn biết câu trả lời! Nhưng, tôi chỉ có những câu trả lời dò dẫm. Và có lẽ đây là điều tôi sẽ tiếp tục cố gắng suốt cuộc đời nghề nghiệp của mình”.


2) Các nhà báo nên hiểu rằng tập chú của phần lớn các cuộc tìm tòi khoa học xã hội rất hẹp.


Các liên hệ nhân quả đơn giản rất dễ truyền đạt tới độc giả. Liệu nhiều tiền hơn có gia tăng hạnh phúc không? Liệu ngồi cả ngày có gây ra trầm cảm hay tăng kí lô không?


Rất ít các cuộc nghiên cứu nhằm trả lời những câu hỏi bao quát ấy.


Kevin Smith, người nghiên cứu tâm lý học chính trị tại Đại Học Nebraska Lincoln, cho hay: “Thật hết sức hiếm hoi mới tìm được các liên hệ nhân/quả đơn giản và đơn nhất trong các cuộc nghiên cứu về con người”.


Vả lại, các nghiên cứu của khoa học xã hội không nhằm cung cấp các liên hệ đơn giản này.
 

Jay Van Bavel, một tâm lý gia xã hội tại Đại Học New York, viết rằng: “thay vào đó, phần lớn các nhà khoa học tôi biết đã tập chú vào các điều kiện để một điều gì đó xẩy ra (thí dụ: hạnh phúc có gia tăng không khi bạn nghèo?) Thêm một hay hai yếu tố định tính giống như thế này vào sẽ gia tăng sức mạnh giải thích nhiều hơn và cho phép ta vượt quá những cuộc tranh luận ngớ ngẩn”.
 

3) Các nhà báo bị ám ảnh bởi những gì mới lạ. Nhưng tốt hơn, họ nên tập chú vào những gì đã cũ.
 

Nếu một cuộc nghiên cứu mới nào tìm được một điều gây ngạc nhiên, thì các nhà báo thường đổ xô tới. Nhưng các nhà khoa học xã hội có thái độ nghi ngờ hơn, nhất là đây lại là cuộc nghiên cứu lần đầu đạt tới một kết luận như thế. Một cuộc nghiên cứu đưa ra được một kết luận có ý nghĩa về phương diện thống kê có thể chỉ là chuyện “chó ngáp phải ruồi”. Sự hoài nghi này sẽ giảm đi mỗi lần nó được tái tạo.


Joe Magee, người nghiên cứu về tác phong tổ chức tại Đại Học New York, viết rằng “một loạt nghiên cứu liên tiếp về một hiện tượng là điều cần thiết hơn là công bố những nghiên cứu mới nhất”.


Đó là lý do tại sao phân tích tổng hợp (meta-analysis) là điều cực kỳ hữu ích. Đây là những cuộc phân tích nhằm khảo sát và tổng hợp toàn bộ nhiều cuộc nghiên cứu từng tiến hành cho tới nay về một vấn đề đặc thù nào đó. Nhưng các bài phân tích này ít được phổ biến trên các phương tiện truyền thông.


Katie Corker, một nhà tâm lý học xã hội tại Cao Đẳng Kenyon, viết rằng “Một cuộc phân tích tổng hợp cũng chỉ nhận được cùng, hay kém hơn, một mức độ lưu ý đối với một cuộc nghiên cứu hào nhoáng nhằm tạo tin tức”. 


Và cũng nên đề phòng những người ở bên ngoài. Nếu một cuộc nghiên cứu tìm ra một kết luận mâu thuẫn với cuộc tìm tòi đã được chính thức hóa, nó không hề làm mất thanh thế của cuộc tìm tòi đã được chính thức hóa (established).


Jean Twenge, người đang nghiên cứu các dị biệt thế hệ tại Đại Học Tiểu Bang ở San Diego, cho hay: “Nếu một cuộc nghiên cứu trong số 20 cuộc nghiên cứu tìm thấy một giải pháp khác, các nhà báo có khuynh hướng coi lãnh vực này là ‘gây tranh cãi’. Nhưng đâu phải gây tranh cãi gì. Đây chỉ là các biến thiên (variations) trong khoa học, và 95% chứng cớ vẫn cho thấy một con đường mà thôi”.


4) Một số cuộc tìm tòi tiến hành trên các sinh viên đại học. Các sinh viên đại học không phải là người thông thường.


Có khá nhiều việc khác lạ nơi các sinh viên đại học (xin xem bài của Bethany Brookshire tựa là “Psychology is WEIRD", trên trang mạng www.slate.com). Họ thường xuất thân từ các gia đình khá giả. Phần lớn không có việc làm. Và không giữ các lịch trình đều đặn.


Các nhà tâm lý sử dụng họ trong các cuộc nghiên cứu chỉ vì tiện lợi mà thôi. Và dù họ có thể cung cấp những điều đáng được ta xem xét, nhưng họ không đem lại những kết quả có thề tổng quát hóa khắp mọi nơi được.


Các cuộc nghiên cứu trên chuột cũng thế. Chúng thường là khởi điểm hữu ích để hiểu sinh lý học liên hệ ra sao tới tác phong. Nhưng theo Michael Grandner, người nghiên cứu về giấc ngủ tại Đại Học Arizona, “bạn không thể tổng quát hóa cuộc nghiên cứu trên động vật vào người được”.


5) Các nhà báo nên cẩn thận hơn về bách phân.


Thí dụ một bài báo đi đến kết luận này: những người xem truyền hình hơn 7 giờ một ngày có 50% nguy cơ lớn hơn là sẽ mắc chứng tiểu đường.


Điều đó không hề có nghĩa bất cứ ai coi truyền hình hơn 7 giờ mỗi ngày đều có 50-50 nguy cơ mắc chứng tiểu đường.


Garndner cho hay: “Nếu một điều gì có 50 phần trăm hơn điều khác nhưng điều khác này chỉ xẩy ra 1 phần trăm lần, thì bạn có điều kia chỉ xẩy ra 1.5 phần trăm lần, vẫn còn rất hiếm”. Thành thử đây là điều cần lưu ý.


6) Có sự khác nhau giữa ý nghĩa đời thực và ý nghĩa thống kê


Một điều khác cần ý tứ: khi một nhà nghiên cứu nói rằng các kết quả của hcó ý nghĩa về phương diện thống kê, nó chỉ có nghĩa đây không phải là chuyện may rủi tình cờ. Chứ nó không hề có nghĩa các kết quả này vững chãi.


Grandner cho ta hay: “một nhóm người với chiều cao trung bình 70 inches và một nhóm khác với chiều cao trung bình 71 inches có thể khá khác nhau về phương diện thống kê, nhưng sự khác nhau này thực sự chẳng có ý nghĩa bao nhiêu”.


7) Các nhà khoa học xã hội thích sử dụng các từ ngữ kỹ thuật. Các nhà báo thường lại phiên dịch chúng một cách quá lỏng lẻo.
 

Các nhà tâm lý học có thể dùng các từ ngữ chuyên biệt cao trong các bài nghiên cứu của họ. Để phục vụ các độc giả của họ, các nhà báo có thói quen cố gắng viết lại các thuật ngữ ấy bằng những từ ngữ của đời sống hàng ngày. Điều này rất chủ yếu để dễ đọc, nhưng rất nhiều sắc thái quan trọng đã bị mất đi vì cách viết lại này.


Betsy Levy Paluck, một nhà tâm lý học xã hội tại Princeton, cho hay cuộc nghiên cứu của cô về “những đứa trẻ nhiều nối kết (connected)” trên các mạng lưới xã hội đôi khi được mô tả như một công trình về “những đứa trẻ rất tuyệt (cool)”. Nhưng viết như thế là sai lạc. Vì “một số các trẻ nhiều nối kết thực sự không tuyệt chút nào”.


8) Các nhà báo cũng nên hoài nghi đối với những cuộc nghiên cứu dựa vào việc tự phúc trình.


Điều người ta nói và điều họ làm thường là hai việc hoàn toàn khác nhau. Theo Levy Paluck, “Nhiều nhà báo coi các tác phong tự phúc trình đương nhiên cũng là một với các tác phong thực sự. Nhưng thực ra, các cuộc nghiên cứu nắm được các tác phong thực sự thì hoạ hiếm hơn là những cuộc nghiên cứu chỉ yêu cầu người ta phúc trình về tác phong của họ”. 


9) Các nghiên cứu không phổ biến có thể hữu ích. Nhưng cần xử lý với chúng một cách ngờ vực hơn.


Các nhà khoa học xã hội thường đăng các bản dự thảo nghiên cứu còn đang hoàn tất lên trên các trang mạng cá nhân. Các nhà xuất bản của đại học cũng hay cổ vũ các bài trình bầy tại hi nghị học thuật như họ thường làm với các bài nghiên cứu mới xuất bản.


Theo Ingrid Haas, nhà nghiên cứu về tâm lý học chính trị  tại Đại Học Nebraska Lincoln, nếu nó “chưa được người cùng giới xem lại, thì điều này có nghĩa nó còn cần phải được làm thêm hay là chưa được tái tạo. Nói tóm lại, công trình ấy ít đáng tin cậy”.


10) Luôn luôn hướng dẫn độc giả trở lại với cuộc nghiên cứu nguyên thủy.


W. Keith Campbell, người tìm hiều về chứng tự yêu mình thái quá (narcissism) tại Đại Học Georgia, thúc giục mọi nhà báo nên đọc toàn văn các phúc trình nghiên cứu. Ông cho hay: “Tôi có một bài nghiên cứu mới đây đã bị sử dụng như chất liệu cho một câu truyện lấy tiền quảng cáo (clickbait). Nhiều độc giả bất mãn… và rồi người ta tìm đọc bài thực sự của tôi. Điều này dẫn tới một cuộc thảo luận mà tôi nghĩ rất hào hứng trên trực tuyến”.


11) Và sau cùng: sự tương liên (correlation) không phải là sự gây ra kết quả (causation).
 

Điều này xẩy ra rất thường xuyên. Các nhà báo nên viết điều này lên kiếng soi của h và biến nó thành lời khẳng định mỗi ngày.


Theo Grandner, “dù người trong nhóm A có khuynh hướng ăn cà-rốt nhiều hơn, nhưng ăn cà-rốt có thể khiến một người trở nên thành viên của nhóm này, hay cũng có có thề không khiến ra như thế. Nó chỉ xẩy ra thường hơn mà thôi. Một cuộc nghiên cứu tiếp theo cần phải nghiên cứu khía cạnh nhân quả”.


Tưởng nên nhắc lại rằng tất cả các hiểu lầm gần đây đối với Giáo Hội Công Giáo nói chung và riêng đối với Đức Phanxicô là do cách các nhà báo tường thuật lại các biến cố cũng như các tuyên bố trong Giáo Hội, những biến cố và tuyên bố đương nhiên hết sức chuyên biệt, không hẳn ai cũng dễ dàng nắm được. Ấy là chưa kể một số nhà báo cố tình xuyên tạc cho các mục tiêu ý thức hệ của họ.


Các ý thức hệ trên cũng đã đọc rất nhiều phúc trình khoa học xã hội theo chiều hướng của họ để cố tình vẽ vời tính hợp khoa học của họ và tính phản khoa học của ta. Cụ thể nhất là cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính vừa qua.