Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Kẻ có phúc

Tác giả: 
Hoàng Thị Thùy Trang

 

 

KẺ CÓ PHÚC

 

 

Án mạng kinh hoàng của Đức Giêsu dường như còn bao trùm cả địa cầu. Đặc biệt là những tông đồ, những người thân cận với Ngài luôn phải lẩn trốn vì khiếp đảm sự lùng sục của người Do Thái. Giữa cơn hoảng loạn ấy, Đức Giêsu đã xuất hiện, Ngài hiện ra với thân xác phục sinh, trỗi dậy từ cõi chết. Ngài đã đến để trao bình an cho các tông đồ, sự bình an tâm hồn chứ không phải thân xác:“Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em. Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20, 21)

 

         Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài đã thổi hơi trao ban cho họ sự sống. Giờ đây, khi dẫn họ bước vào sự sống mới, sự sống được cứu độ bằng giá máu của Đức Kytô, Ngài lại hà hơi thổi Thần Khí Ngài là sức mạnh Thánh Thần xuống trên nhân loại. Từ đây, triều đại Ngôi Ba Thiên Chúa được mở ra, khi Đức Kytô đã hoàn tất sứ mạng cứu chuộc, Thánh Thần Chúa tiếp tục thánh hóa và điều khiển Giáo hội cho tới thời viên mãn.

 

         Mọi đau khổ đã qua đi, cái ách của tội cũng đã được Đức Giêsu tháo cởi, gánh trên vai mình mà chết thay cho nhân loại. Con người từ nay sẽ không còn lo sợ món nợ phản nghĩa với Thiên Chúa Cha, qua giao ước của vị tổ tông. Nhưng từ nay, Đức Giêsu đã đưa nhân loại vào một cuộc sống mới, sự sống của Chúa Thánh Thần, kiện toàn và làm cho Hội thánh ngày càng lan rộng và phát triển.

 

         Sự kiện phục sinh là bằng chứng hùng hồn về quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã toàn thắng tội lỗi và sự chết. Bóng tối của sự dữ đã bị đẩy lùi, ánh sáng phục sinh đã bùng lên, khơi dậy ngọn lửa đức tin trong lòng các tông đồ cũng như mọi tín hữu. Người ta đã tin vào một Thiên Chúa thật đã chết và đã sống lại. Người ta sẽ tin vào một con đường có sự sống vĩnh cửu, đó là con đường thờ phượng Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.

 

         Thế nhưng, niềm tin lại là một ân ban, không phải là thứ con người muốn là có thể thủ đắc. Hơn nữa, đây là niềm tin tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo. Để có thể tin vào Đấng siêu việt mà nhân loại tôn thờ, đòi hỏi phải có được ân ban từ Ngài cùng với lòng đáp trả tự do, quảng đại của họ. Tin Thiên Chúa đã chết thì dễ, bởi chưng lịch sử đã đóng dấu. Tuy nhiên, tin Ngài đã sống lại và đang sống không đơn giản chút nào. Nhất là trong thời đại văn minh, tự do này, khi cuộc sống nhân loại đã được nâng cấp với vòng xoáy tiến bộ hiện đại vượt bậc. Con người thời đại là những cá thể tự tin vào bản thân và ưa chuộng tự do hưởng thụ cuộc sống. Người ta không còn muốn bước vào con đường khổ nạn, con đường thập giá hằng ngày, theo chân Chúa để cùng chịu khổ hình để được sống lại vinh quang. Người ta chỉ đi tìm vinh quang phục sinh, chứ không muốn đón nhận đau khổ thập giá. Thế nên, Thiên Chúa thời đại dường như đã chết.

 

         Không chỉ riêng nhân loại, mà  ngay cả Tôma, vị tông đồ đượd diễm phúc kề cận hằng ngày bên Chúa, cùng ăn, cùng sống, cùng làm việc với Ngài… vẫn không thể tin và chấp nhận việc Ngài đã sống lại. Ông đòi hỏi được tận mắt chứng kiến, được sờ tận tay vào thân thể thực của Đức Giêsu, ông mới tin. Và Thiên Chúa đã cho ông được toại nguyện. Ông đã đặt tay vào tay Thầy, đã thọc tay vào cạnh sườn Thầy, và ông đã tin: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28)

 

         Niềm tin của Tôma, chính là kiểu mẫu, để rồi từ đây, tất cả những ai, khi hoài nghi ngờ vực vào sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa mà tìm được ánh sáng đức tin của mình, thì đều trở thành kẻ có phúc “Phúc cho những ai không thấy mà tin.” (Ga 20, 29)

 

         Thế giới không muốn trở thành kẻ có phúc. Nhân loại chối từ làm người diễm phúc. Thế nên, chẳng còn mấy ai tin vào Thiên Chúa. Họ đã bỏ quên cuộc tử nạn đau đớn cũng như sự sống lại vinh quang của Ngài. Phải chăng vì thực tế cuộc sống chỉ toàn là bất công, đắng cay và đau khổ. Con người phải đối diện với quá nhiều bóng tối và sự dữ, nỗi kinh hoàng thập giá đã che khuất ánh sáng phục sinh. Nhân loại chỉ nhớ đến những nỗi đắng cay khó nhọc như là thập giá nặng trịch lúc nào cũng đè trĩu đôi vai của họ, mà đánh mất niềm tin và hy vọng vào sự toàn thắng của Đức Kytô phục sinh. Tất cả cũng chỉ bởi vì niềm tin vào Thánh Thần Chúa, vào Giáo hội của Ngài bị tắt ngấm. Thế giới quên đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần cũng như triều đại của Ngài. Đức Kytô đã chết và đã sống lại, như thể khép lại vĩnh viễn về một thế giới thiên đàng mà Ngài đã rao truyền. Họ quên mất rằng, thế giới đó luôn có có thế gian này khi con người biết đón nhận thập giá bước vào vinh quang.

 

         Lạy Chúa, Đức Giêsu đã sống lại, Ngài đã phục sinh vinh hiển và trao ban sứ mạng rao truyền sứ mạng loan báo Tin mừng cho nhân loại. Vậy mà bao nhiêu ngàn năm qua rồi kể từ cái chết đau thương ấy, thế giới vẫn không mấy người tin vào Thiên Chúa. Người thì bàng quan, kẻ thì khinh miệt, kẻ khác thì ngại phải bỏ mình, hy sinh… Tin vào Chúa phục sinh thì dễ nhưng bước theo Ngài khó quá. Đối diện với những thách đố cuộc sống, mới thấy bóng mờ thập giá con đã khiếp đảm, không chỉ cơm áo gạo tiền nhưng còn là bệnh tật, chết chóc, mất mát… Không có thập giá, làm sao có được vinh quang phục sinh? Nhưng có lẽ bóng thánh giá cuộc đời lớn quá, khiến con mờ mắt vì đau khổ, khiếp đảm. Xin giúp con trở thành kẻ có phúc, không phải vì may mắn, giàu có, sung túc, nhưng vì đã tin vào Thiên Chúa phục sinh và sống niềm tin phục sinh.

 

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.