Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thông Điệp Hội Thánh Từ Thánh Thể Ecclesia De Eucharistia

DẪN NHẬP THÔNG ĐIỆP “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”


Thông điệp thứ 14 của Đức Gioan Phaolô II có mục đích cống hiến một suy tư đào sâu hơn về mầu nhiệm Thánh Thể trong mối tương quan với Hội Thánh. Văn kiện tương đối ngắn nhưng có ý nghĩa về phương diện thần học, kỷ luật và mục vụ. Văn kiện đã được ký vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ Tiệc Ly, giữa khung cảnh phụng vụ khởi đầu Tam nhật Vượt qua.

 

Hy tế Tạ ơn, “nguồn gốc và tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu”, chứa đựng toàn thể kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh: Đức Giêsu Kitô, Đấng hiến mình cho Chúa Cha để cứu chuộc thế giới. Khi cử hành “mầu nhiệm đức tin này”, Hội Thánh làm cho Tam nhật Vượt qua trở nên “đồng thời” với những người nam nữ của mọi thời đại.

 

Chương thứ nhất, “Mầu nhiệm đức tin ”, giải thích bản chất hy tế của Thánh Thể: qua thừa tác vụ của linh mục, trong mỗi Thánh lễ, Thánh Thể làm cho Thân mình “bị trao nộp” và Máu “đổ ra” bởi Đức Kitô để cứu độ thế giới nên hiện diện cách bí tích. Việc cử hành Thánh lễ không phải là một sự lập lại lễ Vượt qua của Đức Kitô, hay là việc nhân lễ ấy lên nhiều lần trong những thời gian và nơi chốn khác nhau; nhưng đó là hy tế duy nhất trên Thánh Giá, được tái diễn cho đến tận thế.

 

Theo những lời của Thánh Inhaxiô thành Antiokia, đó là “linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Như là một bảo chứng của Vương quốc tương lai, Thánh Thể cũng nhắc nhở người tín hữu về trách nhiệm của họ ở trần gian này, nơi đó những người yếu đau, hèn kém nhất và nghèo khổ nhất đang chờ đợi sự giúp đỡ từ những người, qua tình liên đới, có khả năng trao ban cho họ lý do của niềm hy vọng.

 

“Thánh Thể xây dựng Hội Thánh ” đó là chủ đề chương hai. Khi người tín hữu đến gần bàn tiệc thánh, họ không những nhận lãnh Chúa Kitô, nhưng họ còn được Người đón nhận. Bánh và Rượu đã truyền phép là sức mạnh sinh ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh được kết hiệp với Chúa của mình, là Đấng, ẩn dấu dưới những hình Thánh Thể, đang ở trong Hội Thánh và xây dựng Hội Thánh. Hội Thánh tôn thờ Người không những trong Thánh Lễ, nhưng còn trong mọi thời khắc khác, gìn giữ như “kho tàng” quí báu nhất của mình.

 

Chương thứ ba là một suy tư về “Đặc tính tông truyền của Thánh Thể và của Hội Thánh ”. Cũng như thực tại toàn vẹn của Hội Thánh sẽ không hiện hữu nếu không có sự kế tục tông đồ, cũng vậy, không có Thánh Thể thật sự nếu không có Giám mục. Linh mục, khi cử hành Thánh lễ, hành động trong tư cách của Đức Kitô là Đầu; ngài không phải phải là chủ nhân của Thánh Thể, nhưng là tôi tớ của Thánh Thể, vì lợi ích của cộng đoàn những người được cứu chuộc. Do đó cộng đoàn Kitô hữu không “sở hữu” Thánh Thể, nhưng lãnh nhận Thánh Thể như một ân huệ.

 

Những suy tư này được khai triển trong chương bốn: “Thánh Thể và sự Hiệp thông của Hội Thánh ”. Hội Thánh, trong tư cách là thừa tác viên của Mình và Máu Chúa Kitô vì phần rỗi thế gian, tuân theo tất cả những gì chính Chúa Kitô thiết lập. Khi trung thành với giáo huấn của các Tông đồ, hiệp nhất trong kỷ luật các bí tích, Hội Thánh cũng phải chứng tỏ cách hữu hình sự hiệp nhất vô hình của mình. Thánh Thể không thể được “xử dụng” như một phương tiện để hiệp thông, đúng hơn Thánh Thể giả định sự hiệp thông đã hiện hữu và củng cố sự hiệp thông đó. Chính trong viễn cảnh này mà ta phải cân nhắc con đường đại kết đang chờ đợi mọi môn đệ của Chúa: Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và xây dựng sự hiệp thông, khi được cử hành trong chân lý. Thánh Thể không thể bị phụ thuộc vào ý muốn tùy tiện của cá nhân hay những cộng đoàn riêng biệt.

“Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể ” là chủ đề của chương thứ năm. Việc cử hành “Thánh lễ” mang những dấu bên ngoài nhằm làm nổi bật niềm vui đã quy tụ các tín hữu chung quanh quà tặng vô giá là Bí tích Thánh Thể. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương và nói chung, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chứng tỏ rằng, qua bao thế kỷ, Hội Thánh không sợ đi quá trớn trong việc chứng tỏ tình yêu đang nối kết mình với Đức Phu Quân thần linh. Cũng cần tái khám phá cảm thức về cái đẹp trong những buổi cử hành ngày hôm nay.

 

Chương thứ sáu, “Tại trường học của Đức Maria, người Phụ nữ của Thánh Thể ”, là một suy tư hợp thời và độc đáo về sự tương hợp lạ lùng giữa Mẹ Thiên Chúa, khi mang thân thể Chúa Giêsu trong lòng mình đã trở nên “nhà tạm” đầu tiên, và Hội Thánh giữ gìn trong lòng mình và trao ban cho thế gian Mình và Máu Đức Kitô. Thánh Thể được ban cho các tín hữu để đời sống của họ trở nên lời kinh Magnificat liên tục dâng lên Ba Ngôi Chí Thánh.

 

Phần kết luận thúc đẩy dấn thân: những người muốn theo đuổi con đường thánh thiện không cần những “chương trình” mới. Chương trình đã có sẵn: Đó là chính Đức Kitô mà ta cần nhận biết, yêu mến, bắt chước và loan báo. Việc thực hiện tiến trình ấy đi ngang qua Thánh Thể. Điều đó được thấy rõ trong chứng từ của các Thánh, vào bất cứ giây phút nào của cuộc sống, các ngài giải khát tại nguồn suối vô tận của mầu nhiệm này, và tìm thấy từ đó sức mạnh thiêng liêng cần thiết để chu toàn trọn vẹn ơn gọi của phép Thánh tẩy.

 


THÔNG ĐIỆP

ECCLESIA DE EUCHARISTIA

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

GỞI CÁC GIÁM MỤC

LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

NHỮNG NGƯỜI NAM NỮ

SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN

VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI HỘI THÁNH

 


NHẬP ĐỀ

 

1. Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Thánh Thể. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kết cốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh. Trong niềm hân hoan, Hội Thánh kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tân thế” (Mt 28,20). Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất. Kể từ ngày lễ Ngũ tuần, khi Hội Thánh, Dân của Giao ước Mới, bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê trời, Bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hi vọng tin tưởng.

 

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng Hy tế tạ ơn là “nguồn mạch và chóp đỉnh của của đời sống Kitô hữu”.1 “Thật vậy, Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh: đó là chính Đức Kitô, Người là mầu nhiệm Phục sinh và bánh hằng sống của chúng ta. Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã nên sống động nhờ Thánh Thần và ban sự sống cho con người”.2 Vì thế cái nhìn của Hội Thánh luôn hướng về Chúa của mình, hiện diện trong Bí tích của Bàn thờ, nơi đó Hội Thánh khám phá sự biểu lộ trọn vẹn của tình yêu vô biên của Người.

 

2. Trong dịp Đại Năm Thánh 2000, tôi có cơ hội cử hành Thánh Thể trong nhà Tiệc ly tại Giêrusalem nơi mà, theo truyền thống, Thánh lễ được cử hành lần đầu tiên bởi chính Đức Giêsu. Phòng Tiệc ly là nơi mà Bí tích rất thánh này được thiết lập. Chính nơi đây mà Đức Kitô cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn: này là Mình Thầy sẽ trao nộp vì anh em” (x. Mt 26,26; Lc 22,19; 1 Cr 11,24). Sau đó Người cầm lấy chén rượu và nói: “Anh em hãy cầm lấy và uống: này là chén máu Thầy, máu của giao ước mới và vĩnh cửu. Máu sẽ đổ ra cho anh em và muôn người để tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 11,25). Tôi cám ơn Chúa Giêsu đã cho tôi lập lại tại cùng một nơi, vâng theo lệnh truyền của Người: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), những lời mà Người đã nói cách đây hai ngàn năm.

 

Các Tông đồ tham dự bữa Tiệc ly có thấu hiểu chăng ý nghĩa của những lời Đức Kitô nói? Có lẽ không. Những lời này chỉ trở nên hoàn toàn minh bạch vào cuối Triduum sacrum (Tam nhật thánh ), thời gian kéo dài từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày này mà mysterium paschale (Mầu nhiệm Vượt qua) ghi dấu; cũng chính nơi chúng mà mysterium eucharisticum (Mầu nhiệm Thánh Thể) ghi dấu.

 

3. Hội Thánh được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua. Chính vì lý do này mà Thánh Thể, bí tích trỗi vượt của mầu nhiệm Vượt qua, nằm ở trung tâm của đời sống Hội Thánh. Điều này đã khá rõ ràng trong những hình ảnh đầu tiên của Hội Thánh được ghi lại trong sách Công vụ các Tông đồ: “Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (2,42). Việc “bẻ bánh” quy chiếu về Thánh Thể. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục làm cho sống động hình ảnh nguyên thủy của Hội Thánh. Trong mọi cử hành Thánh Thể, chúng ta quay về Tam nhật Vượt qua cách thiêng liêng: về những biến cố của chiều ngày Thứ Năm Thánh, về bữa Tiệc ly và về những gì tiếp diễn sau đó. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể dự kiến cách bí tích các biến cố sắp xảy ra, khởi đầu với sự hấp hối trong vườn Ghếtsêmani. Một lần nữa chúng ta thấy Đức Giêsu như thể Người rời khỏi phòng Tiệc ly, cùng với các môn đệ xuống thung lũng Kítrôn và đến vườn Cây Dầu. Trong Vườn này, ngày nay còn có một vài cây Ôliu cổ thụ. Có lẽ chúng đã chứng kiến điều đã xảy ra dưới bóng chúng vào chiều hôm ấy, khi Đức Kitô lâm cơn xao xuyến bồi hồi trong khi cầu nguyện “và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (x. Lc 22,44). Máu mà ít lâu trước đó Người đã ban cho Hội Thánh như của uống ban ơn cứu độ trong Bí tích Thánh Thể, đã bắt đầu đổ ra; việc tuôn đổ đó sẽ hoàn tất tại đồi Gôngôta để trở nên phương thế cứu chuộc chúng ta: “Đức Kitô... như vị Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai… đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).

 

4. Giờ cứu chuộc chúng ta. Dầu xao xuyến, Đức Giêsu không chạy trốn trước “giờ” của Người. “Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). Người muốn các môn đệ ở lại bên Người, tuy nhiên Người lại phải trải qua kinh nghiệm cô đơn và bị ruồng bỏ: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,40-41). Chỉ mình Gioan sẽ ở lại dưới chân Thánh giá, bên cạnh Đức Maria và các phụ nữ trung thành. Cơn hấp hối trong vườn Ghếtsêmani là bước đầu của cơn hấp hối trên Thánh giá vào ngày Thứ Sáu tuần thánh. Giờ linh thánh, giờ cứu chuộc thế giới. Bất cứ khi nào Thánh lễ được cử hành tại ngôi mộ của Đức Giêsu ở Giêrusalem, thì có một sự quay về hầu như có thể sờ mó được về “giờ” của Người, giờ của Thánh giá và vinh quang. Mọi linh mục khi cử hành Thánh lễ, cùng với cộng đoàn Kitô hữu thông phần vào đó, đều được dẫn về chỗ và giờ đó trong tinh thần.

 

“Người đã bị đóng đinh, đã trải qua sự chết và được mai táng; Người xuống âm phủ; vào ngày thứ ba, Người sống lại ”. Những lời tuyên xưng đức tin đó được vang vọng trong những lời chiêm ngưỡng và loan báo: “Đây là gỗ cây Thánh giá, nơi Đấng Cứu độ trần gian đã bị treo lên. Chúng ta hãy đến và thờ lạy ”. Đó là lời mời gọi mà Hội Thánh gởi đến mọi người trong buổi chiều Thứ Sáu tuần thánh. Rồi Hội Thánh tiếp tục hát lên trong Mùa Phục sinh nhằm loan báo: “Chúa đã sống lại từ ngôi mộ; vì phần rỗi chúng ta Người chịu treo trên Thánh giá, Alleluia ”.

 

5. “Mysterium fidei! - Mầu nhiệm Đức tin!” Khi linh mục đọc hoặc hát lên những lời này, mọi người hiện diện cùng hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa đến trong vinh quang”.

 

Qua những lời này hoặc những lời tương tự, Hội Thánh chỉ về Đức Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn của Người, và cũng mạc khải mầu nhiệm của chính mình : Ecclesia de Eucharistia. Nếu chính nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ tuần mà Hội Thánh được sinh ra và dấn bước trên các nẻo đường của trần gian, thì chắc chắn việc thiết lập Thánh Thể tại phòng Tiệc ly là một thời điểm quyết định trong việc hình thành Hội Thánh. Nền tảng và nguồn gốc của Hội Thánh là toàn thể Triduum paschale (Tam nhật Vượt qua ), nhưng nó như thể được quy tụ, được báo trước và “được cô đọng” cho đến muôn đời trong quà tặng Thánh Thể. Trong quà tặng này, Đức Giêsu Kitô giao cho Hội Thánh sự hiện tại hoá vĩnh viễn của mầu nhiệm Vượt qua. Nhờ nó Người thiết lập một “tính chất thống nhất trong thời gian” (contemporanit) huyền nhiệm giữa Triduum (Tam nhật) và vận hành của các thế kỷ.

 

Nghĩ đến điều đó làm nảy sinh trong chúng ta tâm tình khâm phục sâu xa và lòng biết ơn. Trong biến cố vượt qua và trong Thánh Thể, làm cho nó hiện tại hoá trong suốt các thế kỷ, có một “khả năng” thực là vĩ đại ôm trọn tất cả lịch sử trong tư cách là kẻ đón nhận ơn cứu chuộc. Sự khâm phục này phải luôn tràn ngập Hội Thánh khi tụ họp lại để cử hành Thánh Thể. Nhưng một cách đặc biệt nó phải tràn ngập tâm hồn thừa tác viên của Thánh Thể. Bởi vì chính vị ấy, nhờ quyền năng trao ban cho qua bí tích truyền chức thánh, thực hiện việc truyền phép. Chính vị ấy nói lên, với sức mạnh đến với mình từ Đức Kitô trong phòng Tiệc ly: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Máu Thầy, đổ ra cho các con...” Linh mục nói những lời này, hoặc đúng hơn ngài để cho Đấng đã nói những lời này tại phòng Tiệc ly sử dụng tiếng nói của mình, Đấng ấy muốn rằng chúng được lập lại trong mọi thế hệ bởi tất cả những ai thông phần cách thừa tác vào chức vụ linh mục của Người trong Hội Thánh.

 

6. Qua Thông điệp này, tôi muốn đẩy mạnh “sự khâm phục” này đối với Thánh Thể, trong sự tiếp nối với di sản của Năm Thánh mà tôi đã để lại cho Hội Thánh trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte và tài liệu bổ sung mang tính thánh mẫu học, Rosarium Virginis Mariae. Chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô, và cùng chiêm ngưỡng với Đức Maria, đó là “chương trình” mà tôi đã đặt ra trước Hội Thánh vào lúc hừng đông của thiên niên kỷ thứ ba, khi mời gọi Hội Thánh chèo ra chỗ sâu trong biển cả của lịch sử với sự hăng say của công cuộc truyền giáo mới. Chiêm ngưỡng Đức Kitô đòi buộc ta biết nhận ra Người bất cứ nơi nào Người biểu lộ, trong nhiều hình thức hiện diện, nhưng trên tất cả trong bí tích sống động của Mình và Máu Người. Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể; nhờ Người Hội Thánh được nuôi dưỡng và nhờ Người Hội Thánh được soi sáng. Thánh Thể vừa là một mầu nhiệm đức tin vừa là một “mầu nhiệm ánh sáng”. 3 Bất cứ nơi nào Hội Thánh cử hành Thánh Thể, người tín hữu có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: “mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).

 

7. Kể từ khi bắt đầu sứ vụ kế vị thánh Phêrô, tôi đã luôn đánh dấu ngày Thứ Năm Tuần thánh, ngày của Bí tích Thánh Thể và của chức linh mục, bằng cách gởi một lá thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ 25 triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo đặc biệt hơn toàn thể Hội Thánh suy nghĩ về Thánh Thể, và cũng để cảm tạ Chúa vì quà tặng là Bí tích Thánh Thể và chức linh mục: “Quà tặng và Mầu nhiệm”. 4 Khi loan báo Năm của Kinh Mân côi, tôi muốn đặt năm này, kỷ niệm năm thứ 25 của tôi, dưới dấu chỉ chiêm ngưỡng Đức Kitô tại trường học của Đức Maria. Vì thế, tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần thánh 2003 trôi qua mà không dừng lại trước “dung nhan Thánh Thể” của Đức Kitô và chỉ vẽ cách mạnh mẽ hơn cho Hội Thánh chỗ đứng trung tâm của Thánh Thể. Từ bí tích này Hội Thánh múc nguồn sự sống. Từ “bánh sự sống” này Hội Thánh tìm thấy lương thực cho mình. Làm sao tôi lại không cảm thấy nhu cầu thúc bách mọi người kinh nghiệm điều đó cách mới mẻ hơn?

 

8. Khi tôi nghĩ đến Thánh Thể, và nhìn lại cuộc đời tôi trong tư cách một linh mục, một Giám mục và người Kế vị thánh Phêrô, tôi tự nhiên nhớ lại nhiều thời điểm và nhiều nơi chốn mà tôi đã có dịp cử hành Thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi tôi được giao công tác mục vụ lần đầu tiên, nhà thờ thánh Florian tại Krakow, Nhà thờ chính toà Wawel, Vương cung thánh đường thánh Phêrô và biết bao Vương cung thánh đường và nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã có dịp cử hành Thánh lễ trong các nhà nguyện xây trên núi, bên bờ hồ và bãi biển; tôi đã cử hành Thánh lễ trên những bàn thờ dựng trong các sân vận động và nơi các công trường thành phố... Các cuộc cử hành Thánh Thể khác nhau này đã cho tôi một kinh nghiệm mạnh mẽ về tính phổ quát và có thể nói là hoàn vũ của nó. Vâng, hoàn vũ! Bởi vì dù khi được cử hành trên bàn thờ xoàng xỉnh của một nhà thờ miền quê, Thánh Thể một cách nào đó luôn được cử hành trên bàn thờ của thế giới. Nó nối kết trời và đất. Nó ôm ấp và thấm nhập vào toàn thể thọ tạo. Con của Thiên Chúa làm người để phục hồi toàn thể thọ tạo, trong một hành vi ca ngợi tối cao, dâng lên Đấng đã dựng nên mọi sự từ hư vô. Là vị Linh mục Thượng phẩm vĩnh cửu đã nhờ máu của Thánh giá Người mà đi vào cung thánh vĩnh cửu, Người trao lại cho Đấng Tạo hoá và Chúa Cha tất cả thọ tạo được cứu chuộc. Người thực hiện điều đó qua sứ vụ linh mục của Hội Thánh, để tôn vinh Ba Ngôi rất thánh. Quả thực đó là mysterium fidei được thực hiện trong Thánh Thể: thế giới phát xuất từ tay của Thiên Chúa Tạo hoá nay lại quay trở về Người sau khi được Đức Kitô cứu chuộc.

 

9. Thánh Thể, vốn là sự hiện diện ban ơn cứu độ của Đức Kitô trong cộng đoàn các tín hữu và của ăn thiêng liêng, là tài sản quý báu nhất mà Hội Thánh có được trong cuộc hành trình theo dòng lịch sử. Điều đó giải thích sự quan tâm ân cần mà Hội Thánh luôn tỏ bày đối với mầu nhiệm Thánh Thể, một quan tâm tìm thấy sự diễn tả đầy uy quyền trong công trình của các Công đồng và các Giáo hoàng. Làm sao chúng ta lại không khâm phục những trình bày tín lý trong các Sắc lệnh về Thánh Thể rất thánh và Hy tế Thánh của Thánh lễ do Công đồng Trentô ban bố? Suốt bao thế kỷ những Sắc lệnh này đã hướng dẫn thần học và giáo lý, và chúng vẫn là điểm quy chiếu giáo thuyết cho sự canh tân và tăng trưởng liên tục của Dân Thiên Chúa trong đức tin và trong tình yêu đối với Thánh Thể. Trong thời gian gần với chúng ta hơn, ba Thông điệp phải được đề cập đến: Thông điệp Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII (28/5/1902), 5 Thông điệp Mediator Dei của Đức Piô XII (20/11/1947) 6 và Thông điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI (3/9/1965). 7

 

Công đồng Vatican II, tuy không ban hành một tài liệu đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể, đã đề cập đến những khía cạnh khác nhau của nó trải dài trong các tài liệu, nhất là Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium và Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium.

 

Chính tôi, trong những năm đầu của sứ vụ tông đồ trên ngai toà Phêrô, tôi đã viết Tông thư Dominicae Cenae (24/2/1980), 8 trong đó tôi đã thảo luận một vài khía cạnh của Mầu nhiệm Thánh Thể và tầm quan trọng của nó đối với đời sống của những người là thừa tác viên. Hôm nay tôi trở lại đề tài này, với một cảm xúc lớn hơn và lòng biết ơn trong tâm hồn, như thể vang vọng lại những lời của Vịnh gia: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116,12-3).

 

10. Một sự tăng trưởng nội tâm trong Cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm loan báo Mầu nhiệm Thánh Thể của Huấn quyền. Chắc chắn là việc canh tân phụng vụ do Công đồng khởi xướng đã góp phần rất lớn làm cho các tín hữu tham gia cách ý thức, tích cực và mang nhiều hoa quả hơn vào Hy tế Thánh của Bàn thờ. Tại nhiều nơi, việc Chầu Mình Thánh cũng là một thực hành quan trọng hằng ngày và trở nên một nguồn mạch thánh hoá vô tận. Sự tham dự sốt sắng của các tín hữu trong cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình Máu Đức Kitô là một ân sủng Chúa ban và hằng năm đem lại niềm vui cho những ai thông phần vào đó.

 

Những dấu chỉ tích cực khác về đức tin và tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể cũng đáng được đề cập đến.

 

Tiếc thay, bên cạnh những ánh sáng đó, cũng có những bóng tối. Ở một vài nơi, việc Chầu Thánh Thể hầu như hoàn toàn bị quên lãng. Trong nhiều miền của Hội Thánh đã có những lạm dụng, dẫn đến những sai lạc liên quan đến đức tin đúng đắn và giáo lý Công giáo liên hệ đến bí tích kỳ diệu này. Đôi khi ta gặp thấy một sự hiểu biết rất giản lược về Mầu nhiệm Thánh Thể. Vì loại bỏ ý nghĩa Hy tế, Thánh Thể được cử hành như thể chỉ là một bữa tiệc huynh đệ đơn thuần. Hơn thế nữa, sự cần thiết của chức linh mục thừa tác, có nền tảng vững chắc trong sự kế vị tông đồ, đôi khi bị lu mờ và tính chất bí tích của Thánh Thể bị giản lược duy vào hiệu năng như một hình thức của loan báo. Điều này đã dẫn đến những khởi xướng đại kết nơi này nơi kia, tuy đầy thiện chí, nhưng chiều theo những thực hành Thánh Thể ngược lại kỷ luật mà qua đó Hội Thánh diễn tả đức tin của mình. Làm sao chúng ta lại không biểu lộ một sự đau buồn sâu xa về tất cả những điều này? Thánh Thể là một quà tặng quá lớn lao đến nỗi ta không thể chấp nhận sự hàm hồ và hạ giá.

 

Hi vọng của tôi là Thông điệp này sẽ tích cực giúp đỡ loại bỏ những áng mây đen tối là những giáo thuyết và thực hành không thể chấp nhận được, để Thánh Thể tiếp tục toả sáng vẻ huy hoàng của mầu nhiệm.

 

 

Nguyễn Phước, Nguyễn Ngọc Kính và Đặng Minh An