Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

02 Ch 2: Chứng cớ Thánh Kinh và Việc Tuyên Xưng Đức Tin

Tác giả: 
Vũ Văn An

 

 

Chương 2: Chứng cớ Thánh Kinh và Việc Tuyên Xưng Đức Tin



Ba điều trong Kinh Tin Kính (1) sẽ cho ta những nét chính để ta suy tư về Đức Maria. Dĩ nhiên, ta không nên quên rằng các kinh tin kính trước hết và trên hết nhằm nói về Thiên Chúa Ba Ngôi và sự biểu hiện của Ba Ngôi trong kế hoạch cứu rỗi, là kế hoạch có cao điểm trong biến cố Chúa Giêsu Kitô. Hơn nữa, chúng ta không có ý định bình luận về mọi điều trong kinh tin kính. Ta chỉ muốn nắm được chỗ đứng thích đáng của Đức Maria trong một toàn bộ lớn hơn chính ngài và trong việc phục vụ mà ngài đã được đặt vào. Không bao giờ ta nên xem sét ngài một cách biệt lập.


Điều thứ nhất tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng và là Đấng tạo thành mọi sự. Đức Maria là một trong các tạo vật của Người.


Điều thứ hai dành cho cuộc hành trình nhân bản của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đã đến “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”. Điều này nhắc ta nhớ Đức Maria là mẹ của Người.



Điều thứ ba nói tới Chúa Thánh Thần và giáo hội được Người thánh hóa. Đức Maria là chi thể của giáo hội này và thuộc hiệp thông các thánh.


I. Điều thứ nhất: Đức Maria, tạo vật, phụ nữ, và nữ tử Israel



Trong ước muốn làm nổi nhân tính của Đức Maria, ta sẽ rút ra từ Thánh Kinh mọi điều có thể rọi sáng căn gốc nhân bản, văn hóa và tôn giáo từng làm cho Đức Maria thành “người phụ nữ của thế giới chúng ta”, thành “nữ tử Israel”, thành “người phối ngẫu” và thành “một bà mẹ”.


1. Một người phụ nữ của thế giới chúng ta



Điều thứ nhất của kinh tin kính tuyên xưng Thiên Chúa là “Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, mọi vật hữu hình và vô hình”. Về phần mình, Đức Maria hoàn toàn là một thành phần trong thế giới tạo dựng này. Không thể biến ngài thành như các nữ thần được các tôn giáo cổ xưa thờ kính. Ngài không ở ngoài và ở trên nhân loại, nhưng hoàn toàn thuộc về nhân loại mà Thiên Chúa muốn dùng làm triều thiên cho tạo dựng của Người.


Trước nhất, người ta phải coi Đức Maria là một phụ nữ, nhưng không phải là một phụ nữ tách biệt khỏi các con người nhân bản khác cũng không phải là mẫu mực của một tùng phục thụ động mà nhiều phụ nữ khác từng tiếp nhận trong tương quan với đàn ông, hoặc là một biểu tượng cho nữ tính lý tưởng hàm nghĩa một khinh bỉ tính dục và sinh sản nhục thể nào đó. Đó là những suy nghĩ lệch lạc do tư tưởng duy nữ ngày nay chính xác kể ra, nhưng thường lại là những đặc tính người ta vẽ ra cho Đức Maria suốt nhiều thế kỷ qua. Việc phát triển của nghệ thuật cận đại cho thấy trong khi các hoạ sĩ như Georges de la Tour tuyệt diệu nắm bắt được nội tâm tính trầm lặng của Đức Maria, đấng lúc đó được coi như hình ảnh “thăng hoa” của phụ nữ, các họa sĩ khác, trái lại, đã “lý tưởng hóa” Đức Maria, biến ngài liều mình trở thành một thứ phóng chiếu của ước muốn tưởng tượng hay biểu thức của một lệch lạc ngẫu thần (2). Ngày nay ta hiểu rõ hơn rằng những lối mô tả ấy hết sức hàm hồ và đi ngược lại chứng tá nguyên thủy của Tin Mừng về người mẹ của Chúa Giêsu. Thực ra, ngài là một phụ nữ giữa các phụ nữ khác, một phụ nữ của thế giới chúng ta, một phụ nữ, giống các phụ nữ khác, từng trải nghiệm hai bậc sống làm vợ và làm mẹ (3).



Lịch sử cũng bắt ta phải thừa nhận sự kiện này là, bất kể các lạm dụng nơi một kiểu thánh mẫu học nào đó, các suy niệm về Đức Maria vẫn đã từng đóng góp vào việc hiểu rõ hơn về phụ nữ và các vai trò của họ trong xã hội. Một cách đặc biệt, Đức Maria là người phụ nữ được nhiều người nghèo khó chạy tới, tìm kiếm nơi ngài sức mạnh và niềm phấn khích. Họ ý thức được sự gần gũi nhân bản và mẫu thân của ngài đối với họ; họ tự phát nhận ra khuôn mặt dịu dàng và cảm thương; họ nhớ đến ngài giữa niềm vui và giữa niềm đau của cuộc đời. Ngày nay cũng như trong quá khứ, nhiều người thấy nơi mẹ Chúa Giêsu một người phụ nữ vốn là “một với mình”, một tạo vật của Thiên Chúa, thực sự thuộc về “những người nghèo của Israel”, mà khuôn mặt nhân bản thì tiếp tục rạng rỡ chiếu soi đức tin và niềm hy vọng của kẻ khiêm hạ.



2. Nữ tử Israel



Sự kiện Đức Maria là con người nhân bản có nghĩa ngài thuộc về một dân tộc đặc thù: đó là dân Do Thái. Vì là phụ nữ, ngài không có một vị thế nào đặc biệt trong sinh hoạt xã hội và tôn của dân tộc ấy. Không có cách chi so sánh ngài với Miriam, chị Môsê (Ds 26:59), người từng đóng vai trò quan trọng trong hàng lãnh đạo của dân tộc Do Thái (Xh 15:20; Mk 6:4); cũng không thể so sánh ngài với các nữ tiên tri của Cựu Ước như Đơvôra thời Thủ Lãnh (Tl 4-5) hay các nữ anh hùng như Giuđitha và Nữ Hoàng Étte, người từng giúp làm cho việc giải phóng dân mình thành khả hữu và do đó là khí cụ cho công lý Thiên Chúa. Đức Maria không đóng vai trò đặc biệt nào giữa dân tộc ngài. Ngài là người phụ nữ tầm thường, và tên của ngài thông thường đến nỗi các phụ nữ đồng tên khác trong Tin Mừng chỉ được phân biệt bằng họ hàng hay quê quán (em Martha; vợ Clopas; Maria Magdala, v.v…) Há lối thuật truyện thản nhiên của Tin Mừng, không vụ xúc cảm hay tưởng tượng, đã không cho thấy tư thế tầm thường của người phụ nữ này hay sao, người phụ nữ mà Charles Péguy từng mô tả là “người đàn bà Do Thái nghèo của Giuđêa” và là “tạo vật khiêm hạ hơn hết”?



Chính trong tư thế một người phụ nữ tầm thường giữa dân mình, Đức Maria đã trải nghiệm cả đức đồng trinh lẫn chức phận làm mẹ của mình. Cựu Ước, trước đó, từng mô tả sự đồng trinh của Rêbêca: “cô gái là … một trinh nữ, người mà chưa người đàn ông nào biết” (St 24:16). Rồi Lề Luật buộc rằng vị thượng tế phải cưới một trinh nữ (Lv 21:13). Hạn từ “trinh nữ” cũng được dùng để mô tả dân Israel (“con gái đồng trinh Xion”: 2 V 19:21). Nhưng thực ra, hạn từ này được sử dụng một cách khá lưỡng nghĩa: trinh nữ là người có thể lấy chồng, nhưng cô cũng có nguy cơ bị mắng nhiếc hay rủa xả nếu, sau khi lấy chồng, cô không thể truyền sinh. Vì trong truyền thống Thánh Kinh và Do Thái, sự đồng trinh không phải tự nó là một cùng đích. Chính việc nhiều con mới được coi là phúc đức, như ca khúc mà Anna hát sau khi sinh con trai Samuen (1Sm 2:1-10). Và trong khi “nữ tử Xion”, nghĩa là dân Giêrusalem hay dân Giuđêa, cả ở đó lẫn ở nơi lưu đày, được ví như trinh nữ, thì ơn gọi của họ lại là trở thành phối ngẫu của Chúa và sinh con cái: “Hãy hát lên, hỡi người son sẻ không con, hãy bật tiếng reo hò ca hát” (Is 54: 1). Như thế, khi Đức Maria trở thành người mẹ, ngài đứng vào hàng ngũ thật dài những người phụ nữ của Israel. Ngài trải nghiệm việc sinh con, điều hẳn là triều thiên cho đời mọi người phụ nữ và đóng góp vào việc kéo dài mãi mãi dân Thiên Chúa chọn.



Không những mọi người đàn bà Do Thái đều mong muốn tránh cảnh son sẻ; một số họ còn hy vọng hạ sinh Đấng Mêxia (4). Không có lý do gì khiến ta không nghĩ rằng Đức Maria cũng ôm ấp cùng một hoài mong đó, như các phụ nữ khác: “Tại sao lại giả thiết rằng Đức Maria không trải nghiệm điều đó? Như thế, khi thiên thần báo tin cho ngài, ngài lo sợ, hay chỉ ngạc nhiên, như thể một ý nghĩ như thế chưa bao giời xẩy tới với ngài? Không! Thực ra, niềm vui của ngài lớn đến độ ngài không phản đối chi, như với cha, với chồng hay với danh dự bị tổn thương của mình. Những ý nghĩ ấy tan biến hết khi hồng phúc cao cả này được đề nghị với ngài. Phúc lạ hơn mọi phụ nữ! Phúc lạ thực sự!” (5).



Là nữ tử Israel, Đức Maria nhận làm của mình lời cầu nguyện của các phụ nữ thuộc dân của ngài (Lc 1:46-55): các phụ nữ như Miriam, chị Môsê (Xh 15:20 tt) hay Anna, mẹ Samuen (1Sm 2). Đàng khác, ngài cũng tuân phục các luật lệ liên quan tới các giai đoạn khác nhau của đời người phụ nữ. Ngài đã kết hôn hợp pháp với Thánh Giuse, dù không sống với thánh nhân (Mt 1:18), theo đòi hỏi của luật phải đồng trinh trước hôn lễ. Khi đã hạ sinh Chúa Giêsu, cùng với Thánh Giuse, ngài đã tuân thủ các nghi thức theo luật Do Thái: cắt da qui đầu cho con trai, thanh tẩy bà mẹ, dâng con trai đầu lòng, dâng cặp chim cu gáy hay chim bồ câu (Lc 2:21-24; xem Xh 13:2 và Lv 12:1-8). Điều đáng lưu ý là trong khi Luật Do Thái nói tới việc chuộc đứa con trai đầu lòng (Xh 13:13), thì thánh sử Luca lại nói tới việc “dâng con cho Chúa”, chứ không chuộc con (Lc 2:22); vì Chúa Giêsu đâu có cần được chuộc, ngài luôn luôn là tài sản của Thiên Chúa (giống các thầy Lêvi, theo Ds 3:40 tt); vả lại chính Người sẽ cứu chuộc muôn dân. Tuy thế, sự kiện vẫn là Chúa Kitô được một phụ nữ Do Thái sinh ra (Gl 4:4) và là thành viên của dân tộc được Thiên Chúa “nhận làm con nuôi, được người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng vụ và các lời hứa… và các tổ phụ” (Rm 9:4-5). Đức Maria ở trong dân Israel, và Israel ở trong ngài; do sự kiện ấy, giao ước mà Thiên Chúa ký với dân của Người không bị rút lại, trái lại còn được nên trọn một cách mới mẻ bằng việc xuống thế của “Emmanuen” tại đất Giuđêa.


3. Vợ và mẹ


Về Đức Maria, có lời chép rằng ngài “được đính hôn với ông Giuse” (Mt 1:18). Câu này có ý nói tới việc đính hôn mà theo truyền thống Do Thái phải có trước hôn lễ thực sự. Sau đó, khi Đức Maria mang thai một cách lạ lùng, Thánh Giuse đã thực hiện hành động theo nghi lễ khiến Đức Maria thành vợ mình: Thánh nhân “tiếp nhận ngài làm vợ mình” (Mt 1:24). Các tin mừng về thời thơ ấu nói tới cặp vợ chồng này một số lần: Thánh Giuse lên đường “cùng Maria vợ mình” về quê đăng ký theo lệnh hoàng đế (xem Luca 2:5); các mục đồng thấy hai vị cùng với con trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ tại Bêlem (Lc 2:16). Theo Tin Mừng Mátthêu, Thánh Giuse “đem con trẻ và mẹ con trẻ” mà trốn qua Ai Cập (Mt 2:14). Theo Tin Mừng Luca, hai vợ chồng tới Giêrusalem để dâng con trẻ Giêsu cho Thiên Chúa (Lc 2:22) và trở lại đó hàng năm để dự Lễ Vượt Qua (Lc 2:41); rồi khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi, hai vợ chồng lại chia sẻ chung một nỗi âu lo khi nhận ra đứa con của mình thất lạc (Lc 2:44 tt).



Rồi một ngày kia, có người đàn bà vô danh trong đám đông cất cao tiếng và nói về Chúa Giêsu rằng: “Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” (Lc 11:27). Dù câu của Người Con có ý lôi kéo người ta chú ý tới nguồn gốc chân thực của mọi phúc đức (“Đúng hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó”, Lc 11:28), thì sự kiện vẫn là Đức Maria có chung một thân phận với tất cả những ai được trải nghiệm chức làm mẹ. Ngài tràn ngập niềm vui lúc được báo tin con mình sẽ đến; ngài chờ mong con mình trong việc kiên nhẫn chấp nhận cuộc sống hàng ngày; ngài trải nghiệm niềm vui của người mẹ khi lần đầu được chiêm ngắm dung nhan đứa con mới sinh. Ngài quen thuộc với trạng huống mà sau này, một ngày kia, có lần Chúa Giêsu đã mô tả với môn đệ: “Khi người đàn bà lâm bồn, bà hết sức đau đớn, vì giờ của bà đã đến. Nhưng khi đứa con sinh ra, bà không còn nhớ gì tới các khắc khoải ấy nữa bởi vì niềm vui đã đem vào đời một con người nhân bản” (Ga 16:21).



Bắt đầu từ ngày Con Trẻ sinh ra và suốt các năm tháng kế tiếp tại Nadarét, đối với Chúa Giêsu, Đức Maria là điều mà mọi bà mẹ Do Thái giả thiết phải là đối với đứa con của mình. Đúng thế, vì theo Tin Mừng Mátthêu, chính Thánh Giuse, chồng ngài, đã đặt tên cho Con Trẻ và cũng chính thánh nhân dẫn khởi Con Trẻ Giêsu vào việc đọc Tôra, dạy Con Trẻ nghề làm ăn, và dần dần chuẩn bị cho Con Trẻ bước vào cuộc sống trưởng thành. Nhưng trong công trình ấy, Đức Maria góp phần quan trọng bằng cách giúp Con Trẻ Giêsu khám phá ra các thực tại đơn sơ của cuộc sống gia đình và cùng năm tháng qua đi, ghi nhớ sự tiến triển của Con Trẻ “mỗi ngày một tăng trưởng và trở nên mạnh mẽ hơn” (Lc 2:40). Trong thời gian ở Nadarét, chắc chắn ngài nghĩ tới tương lai và, giống mọi cha mẹ khác, thảo luận với Thánh Giuse về viễn ảnh trưởng thành của Con Trai.



Các phúc âm gia nói tới niềm vui của Đức Maria nhưng cũng không quên đề cập tới các thử thách và thống khổ của ngài. Khi nói đến việc ngài mang thai trước khi chung sống với Thánh Giuse, Thánh Mátthêu minh xác rằng ngài rất có thể bị ngờ vực thất trung (xem Mt 1:18-25). Sau khi Chúa Giêsu sinh ra, Thánh Mátthêu nói tới bạo hành được tung ra chống lại Con Trẻ và gia đình Con Trẻ (xem Mt 2).


Về phần mình, Thánh Luca nhắc nhớ và nhấn mạnh tới thân phận thấp hèn và bất định của Chúa Giêsu lúc mới sinh: không có chỗ trọ, sinh ra trong chuồng bò lừa (Lc 2:7), lời tiên đoán của Simêong: “Một lưỡi gươm cũng sẽ đâm thâu lòng bà” (Lc 2:35), và sau đó, lúc đi hành hương hàng năm lên Giêrusalem, nỗi lắng lo xao xuyến của một người mẹ chắc mẩm rằng con mình bị lạc, nên khi tìm thấy, đã trách con: “Sao con lại sử với ba má như thế?” (Lc 2:48).


Dù không một phúc âm gia nào nói rằng Đức Maria đau lòng khi thấy Con Trai rời khỏi nhà, nhưng ba vị có tường trình rằng ngài và thân nhân có tìm cách “gặp” Chúa Giêsu. Thánh Máccô nói đến nỗi âu lo xao xuyến của một người mẹ khi thấy mình và gia đình mình bị hạ nhục bởi những người hoài nghi và giận dữ nhận xét về Chúa (xem Mc 3:22; 6:1-6). Sau cùng, theo truyền thống nhất trí của các Tin Mừng, Đức Maria trải nghiệm thử thách kinh khủng nhất mà một bà mẹ có thể chịu đựng, đó là đứng nhìn một cách vô vọng nỗi đau khôn tả và cái chết nhục nhã của Con Trai mình.



Như thế, ta sẽ không trọng kính Đức Maria nếu ta không thấy ở nơi ngài một tạo vật chân thực của Thiên Chúa, một nữ tử của Israel, người hoàn toàn chia sẻ lịch sử của dân ngài, và một người mẹ biết chia sẻ các hân hoan và sầu buồn của chức phận làm mẹ, và cảm nghiệm tất cả những điều ấy trong cuộc hiện sinh hàng ngày cũng như trong các hoàn cảnh đặc biệt của cuộc sống. Chính trong và qua hành trình nhân bản của mình, người phụ nữ này đã mở lòng mình đón nhận lời Thiên Chúa. Cũng chính trên cùng một hành trình này, ngài đã được mời gọi tin và học hỏi trở thành môn đệ từng bước, lại từng bước, có khi trong ánh sáng, có khi trong bóng đêm, bắt đầu từ tiếng xin vâng lúc truyền tin và giọng hân hoan của Kinh Ngợi Khen, và kết thúc trong đau đớn lặng câm của đồi Canvariô.



Đó chính là nét nhân bản sâu sắc của Đức Maria. Trong khi ca ngợi Đấng Tối Cao vì “Người đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ” (Lc 1:48), Kinh Ngợi Khen của ngài không hề vinh danh mình mà là ngợi ca Đức Chúa vì những kỳ công Người thực hiện. Tuy thế, nếu Đức Maria, một phụ nữ trong mọi phụ nữ, có bao giờ chiếm một vị trí độc đáo trong tạo dựng của Thiên Chúa, thì vị trí ấy là do sự kiện này: Thiên Chúa chọn ngài làm mẹ của Con Một Người và ngài đã xin vâng một cách không dè dặt trước sự chọn lựa ấy.



Như thế, ta trọng kính Đức Maria khi ta hướng tới mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng “đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria và đã làm người”.        

 

II. Điều thứ hai: Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Đấng Kitô, Chúa, và là Con Thiên Chúa



Điều thứ hai của Kinh Tin Kính tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô và là Chúa; điều này cũng nêu danh Đức Maria là Mẹ của Người. Khi làm như vậy, Kinh Tin Kinh đã tóm lược giáo huấn của Tân Ước về Đức Maria, coi nó như tâm điểm của giáo huấn này. Như thế, điều hai của Kinh Tin Kính cho ta thấy chỗ đứng của Đức Maria trong kế hoạch Thiên Chúa và trong lịch sử cứu rỗi.



Chính trong khung cảnh mới này, ta phải trở về với các đoạn chính trong Tân Ước nói về Đức Maria và đọc chúng trong viễn tượng đại kết, nghĩa là, rút ra điều, theo chúng tôi, thuộc đức tin mà ai cũng thừa nhận.



Ý định của chúng tôi ở đây, do đó, không trực tiếp có tính chú giải, dù chúng tôi rất muốn dựa trên các kết quả đã được thiết lập vững chắc của nền bác học hiện đại. Chúng tôi không có tham vọng tái dựng tiểu sử và lịch sử. Chúng tôi chỉ dựa vào các bản văn đã có trong trình thuật Tin Mừng. Cho nên, việc chúng tôi đọc bản văn sẽ chỉ có tính tín lý và suy niệm.



Chúng tôi sẽ bắt đầu với các trình thuật giáng sinh và tuổi thơ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu và Luca; các trình thuật này không được đưa ra như một xét duyệt các ký ức về Đức Mrai và Thánh Giuse nhưng đúng hơn như một giải thích mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống trần gian, dưới ánh sáng đức tin Phục Sinh. Sau đó, ta sẽ xem sét trình thuật trong Tin Mừng Gioan, và kết thúc bằng cách nhắc lại các đoạn trong Tin Mừng Nhất Lãm, trong Tin Mừng Gioan và trong Tông Đồ Công Vụ có liên quan tới mẹ và anh em của Chúa Giêsu (6).



1. Tin mừng tuổi thơ theo Thánh Mátthêu (1-2)



Trong hai chương này, Đức Maria có một vị trí khiêm tốn và là một vai thụ động. Mặc dù từ trình thuật này, ta không rút ra được cả đức tin lẫn hành trình bản thân của Đức Maria, nhưng trình thuật này quả có đặt Chúa Giêsu vào lịch sử Israel và, đồng thời, cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa đã được thực hiện qua việc Người bước vào thế giới mà chính Thiên Chúa đã dựng nên.



Vì Chúa Giêsu Nadarét hoàn toàn mặc lấy thân phận con người cả về thời gian lẫn không gian qua gốc gác của Người là dân Israel, nên Người có một gia phả. Thánh Mátthêu trình bày một loạt các tổ tiên mà về con số và độ dài được tượng trưng thành 14 thế hệ từ Ápraham tới Đavít, 14 thế hệ từ Đavít tới cuộc lưu đày qua Babylon, và 14 thế hệ từ lưu đày tới Đấng Mêxia. Nhưng việc lặp đi lặp lại cùng một kiểu các tổ tiên phái nam đã 4 lần được ngắt quãng để nhắc đến các phụ nữ: Rakháp và Rút, cả hai đều là người ngoại quốc, có mặt ở đây để minh chứng rằng toàn thể nhân loại được mời gọi chia sẻ ơn cứu rỗi với dân Israel; Tama, con dâu Giuđa, và Bátseva, vợ Tướng Urigia trước khi trở thành vợ Vua Đavít, có mặt ở đây để nhắc nhở ta rằng lời hứa vẫn được tiến hành bất chấp sự yếu đuối của một tổ phụ (xem St 38) và của một vị vua (xem 2Sm 11-12) và, một cách nghịch lý, vẫn cần có sự hỗ trợ của họ. Bốn người phụ nữ này và 4 lần sinh “bất thường” xẩy ra đối với họ là để chuẩn bị cho độc giả đón nhận việc nhắc đến Đức Maria và việc sinh hạ Chúa Giêsu, là những điều mang sắc thái ngoại thường sẽ được nói đến sau này trong chính trình thuật.



Thánh Mátthêu nêu danh cha mẹ của Chúa Giêsu với nhau, chứ không tách biệt các ngài ra: Thánh Giuse, chồng Đức Maria (1:16), và, Đức Maria vợ Thánh Giuse (1:24). Qua đó, ngài chứng tỏ rõ ràng rằng giống mọi bé thơ khác, Chúa Giêsu bước vào trần gian với một người cha và một người mẹ: vai trò biểu tượng của người thứ nhất bổ túc cho vai trò không kém biểu tượng của người thứ hai.


Khi gán cho Thánh Giuse điều mà Thánh Luca nói về Đức Mẹ (đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu; mạc khải của thiên thần), Thánh Mátthêu không thể bị coi là đối nghịch với Tin Mừng thứ ba. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh đến dòng dõi Đavít của Chúa Giêsu và vai trò của Thánh Giuse, lãnh trách nhiệm hoàn toàn làm chủ gia đình, và đức tin của ngài vào lời Thiên Chúa.



Chúa Giêsu không thể sinh ra mà không có cha đích danh thế nào, thì Đức Maria cũng không thể hiện hữu mà tách biệt khỏi Thánh Giuse, người mà ngài là vợ, và Chúa Giêsu, Đấng mà ngài là mẹ. Trong chương 2 Tin Mừng Mátthêu, Con Trẻ luôn được nhắc đến trước mẹ Người (các câu 11, 13, 20 và 21).



Đức Maria vừa là người sinh hạ vừa là người mẹ, Thánh Giuse chỉ là người cha theo pháp luật. Tuy nhiên, sự kiện sau không làm vai trò của thánh nhân kém quan trọng, vì tuy không phải là người sinh hạ, ngài quả thực là người cha chân chính và có trách nhiệm đối với căn tính nhân bản và tôn giáo của Chúa Giêsu. Như thế, lời hứa với tổ tiên về một Đấng Mêxia cho Israel đã nên trọn nhờ một người mẹ đồng trinh và một người cha dưỡng nuôi. Đây quả là sự mới mẻ chính của sự sinh hạ này khi đem so sánh với các sự sinh hạ của huyền thoại học.


Thánh Mátthêu rất thận trọng liên kết trình thuật “truyền tin cho Thánh Giuse” này với các lời tiên tri về Đấng Mêxia và do đó làm nổi bật ý nghĩa của việc sinh hạ này: Đấng Emmanuen, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng tôi” (1:23; xem 28:20) sẽ phải sinh ra từ một trinh nữ (7); việc sinh hạ này phải xẩy ra tại Bêlem, vương thành của Đavít (2:6); cùng với gia đình, Con Trẻ sẽ phải trải nghiệm một cuộc đời du mục, theo cung cách tổ phụ Giuse và các anh em ông, rồi của Môsê và dân ông, giữa cuộc trốn chạy qua Ai Cập và cuộc xuất hành mới (2:15).



Vì quan tâm định vị nhân tính của Đấng Mêxia trong lịch sử giao ước và như cư dân đất “thánh”, Thánh Mátthêu không giải đáp các câu hỏi, cả xưa kia lẫn hiện nay, của những người có tâm trí tò mò và đầu có óc nghi ngờ duy lý. Sự kiện Đức Maria là một trinh nữ khi con trai đầu hạ sinh là một công bố có tầm quan trọng thần học về căn tính của Người Con; nó không phải là lời xác quyết tính trong sạch luân lý của người mẹ. Điều quan trọng là tỏ lòng tôn kính đối với mầu nhiệm và mời ta chú ý tới việc sinh hạ thật sự độc đáo nhờ một dấu hiệu.



Việc lưu truyền chương thứ nhất của Tin Mừng Mátthêu cho thấy nhiều dị bản có thể dẫn tới những quan điểm mâu thuẫn liên quan tới việc sinh hạ trong câu 25 chẳng hạn. Nhưng không ai có thể hoài nghi về lời quả quyết chính, một lời quả quyết rất phù hợp với Tin Mừng Luca: đó là việc thụ thai Chúa Giêsu mà không cần đến sự can thiệp của người nam.



Trong đức tin, tất cả chúng ta tuyên xưng điều ta được tin mừng thơ ấu của Thánh Mátthêu truyền dạy về Chúa Giêsu, Đấng Mêxia-Kitô, Đấng Emmanuen và là Đấng Cứu Thế, và về Thánh Giuse, cha hợp pháp của Người, và Đức Maria, mẹ đồng trinh của Người.



2. Tin mừng tuổi thơ theo Thánh Luca (1-2)



Giống Tin Mừng Mátthêu, Tin Mừng Luca cũng đặt Chúa Giêsu vào lịch sử dân Israel và nhấn mạnh tình thế mới được Người khởi đầu. Đức Maria là người bảo đảm các gốc rễ đó, và là dấu chỉ của sự mới mẻ này. Ngài là đại biểu tiên khởi của đức tin vào Chúa Kitô. Đồng thời, trong tư cách là Mẹ Chúa Giêsu, ngài hẳn phải từ khước việc chiếm hữu Đấng chính là Con Thiên Chúa. Đức tin, từng chào đón Chúa Kitô vào lòng ngài, không thể hạ thấp Đấng vốn siêu việt ngài về mọi mặt. Toàn bộ câu truyện sinh hạ Chúa Giêsu, xét cho cùng, là lời mời gọi ca ngợi Thiên Chúa tín trung, Đấng đang đem lại ơn cứu độ cho thế gian nhờ Con Trẻ này.



A. Truyền Tin



Trong Thánh Kinh, các thiên thần đóng vai bản vị hóa các sứ điệp từ Thiên Chúa gửi tới. Trong Cựu Ước, thiên thần Gabrien từng là sứ giả tin mừng về Con Người (Đn 8:16). Sau khi được phái tới với Giacaria, thiên thần này đã đến báo tin cho Đức Maria tin mừng sẽ đem đến cho ngài niềm vui lớn.



Đức Maria được mô tả là parthenos theo câu Isaia 7:14 trong bản Hy Lạp. Trước nhất, hạn từ này chỉ một phụ nữ trẻ chưa có chồng. Nhưng ở đây, nó được sử dụng với nghĩa trinh nữ, và điều này được xác nhận bởi lời tuyên bố của Đức Maria rằng ngài không “biết” bất cứ người đàn ông nào, nghĩa là ngài không có liên hệ vợ chồng, và do đó, việc sinh hạ vừa tuyên bố thực sự do một trinh nữ. Tuy thế, Đức Maria được tường thuật là đã đính hôn với Thánh Giuse, một việc nhằm nối kết ngài với dòng dõi Đavít.



Là mẹ và là người đồng trinh, Đức Maria không đơn giản chỉ đứng trong hàng ngũ một số phụ nữ được nhấn mạnh trong Cựu Ước. Ngài tách biệt với họ nhờ việc thụ thai đồng trinh, một việc đã biến đổi ý nghĩa của cả sự đồng trinh lẫn chức phận làm mẹ của ngài. Một mặt, sự đồng trinh của Đức Maria không phải chỉ là một điều kiện để ngài kết hôn với Thánh Giuse; ngài vẫn đồng trinh ngay khi đã thụ thai. Mặt khác, chức phận làm mẹ của Đức Maria không thể bị đồng hóa với trải nghiệm lạ lùng của một người đàn bà son sẻ sinh con: sự kỳ diệu ở đây là Đức Maria sinh con mà không hề “biết” người đàn ông nào (8). Như thế, sự đồng trinh của Đức Maria không ngăn cản ngài làm mẹ, mà sự kiện làm mẹ Chúa Giêsu cũng không đặt nghi vấn nào cho sự đồng trinh ấy. Hoàn cảnh độc nhất này là do kế hoạch của chính Thiên Chúa, Đấng quyết định, nhờ Đức Maria, lấy nhục huyết trong lịch sử nhân bản. Sự kiện một người đàn bà được Thánh Thần Hóa Công ngự xuống mà vẫn còn đồng trinh chính là dấu chỉ của sự quyết định ấy. Một khi được bóng của Đấng Tối Cao đụng tới, ngài lập tức trở nên như đền thờ của Đấng đang đến thế gian qua ngài. Nữ trinh và là mẹ: thực tại mới này chỉ cho thấy mầu nhiệm do Thiên Chúa thực hiện bằng cách biến Đức Maria, một phụ nữ trong mọi phụ nữ, trở thành mẹ của Con duy nhất Người.



Thiên thần chào Đức Maria là người đã được ban ơn thánh: Chúa ở cùng ngài. Kiểu nói ở thể thụ động: “Đầy ơn phúc” nhấn mạnh tới điểm: ơn thánh nơi Đức Maria là kết quả của hồng ơn trao ban và tiếp nhận (9). Ơn thánh ấy không phải là một sự vật; nó là phẩm tính của mối liên hệ giữa ngài và Thiên Chúa; trước mặt Đấng này, “được sủng ái” (1:30).



Sứ điệp của thiên thần đặt tên cho Con Trẻ là Giêsu. Đó cũng là tên Giosuê, người đã đem dân Chúa chọn tới Đất Hứa. Nó cũng có ý mô tả Con Trẻ là Đấng Mêxia. Tên này mặc cho Con Trẻ thật nhiều tước hiệu huy hoàng. Điều nghịch thường, là tất cả tuyên bố long trọng ấy đã chỉ để loan báo cho một cô gái thật tầm thường ở vùng tăm tối Nadarét, một làng quê chưa bao giờ muốn được danh tiếng.


Nhưng tất cả các việc ấy không dễ hiểu chút nào, và Đức Maria cố gắng hiểu chúng. Câu hỏi của ngài buộc thiên thần phải lên tiếng một lần nữa. Thế là trong công bố mới và long trọng, thiên thần Gabrien tiết lộ rằng Con Trẻ sẽ là chính Con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, Đấng vốn thi hành vai trò sáng tạo và ban sự sống từ lúc khởi nguyên thế giới (St 1:2), sẽ lại thi hành vai trò ấy nơi Đức Maria. Ở đây, không một từ ngữ nào hàm ý việc giao tiếp xác thân.



Khi đã tin vào lời thiên thần liên quan đến mình, ngài cũng có thể tin thiên thần khi thiên thần nói với ngài tất cả những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người chị em họ của ngài. Việc nhắc tới bà Êlisabét muốn chứng tỏ rằng không có điều gì là không thể đối với Thiên Chúa. Người ta chỉ cần tin vào lời hứa, thì Thiên Chúa sẽ khứng ban sự sống.


Khi tự xưng mình là nữ tì của Chúa, Đức Maria, tuy không hề là nữ tì về mặt xã hội, đã cho thấy ngài sẵn sàng để Chúa tự do sử dụng, dĩ nhiên đó là cung cách tự do và có trách nhiệm của ngài. Như “con mắt nữ tì” luôn hướng về tay nữ chủ (Tv 123 [122]: 2) thế nào, Đức Maria cũng tự đặt mình phục dịch Đấng cũng sẽ tự mình mang lấy thân phận tôi đòi (Pl 2:7).



Khi giục ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu, Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, “xuống thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”, Kinh Tin Kính đã tóm lược tâm điểm của sứ điệp truyền tin. Đức Maria được nêu tên vì lý do ngài tham dự vào mầu nhiệm cứu rỗi, một tham dự mà ngài đã được chọn để tham dự. Đức Maria, là trinh nữ, là mẹ, và là nữ tì, đã đi trước chúng ta trong đức tin vào Ngôi Lời Nhập Thể.



B. Thăm Viếng



Thăm Viếng cho ta thấy niềm vui và ơn của Chúa Thánh Thần hay lây lan như thế nào. Đức Maria vừa tiếp nhận sứ điệp thiên thần là ngài vội vã đi viếng người chị em họ ngay và cùng với người chị em họ này cảm nghiệm cả một tuôn trào lần đầu hết ơn Thần Khí tiên tri xuống trên họ. Việc lên đường của ngài cũng là một đáp ứng đức tin của ngài đối với ơn thánh.



Khi bà Êlisabét nghe thấy lời chào hỏi của Đức Maria, con trai bà là Gioan Tẩy Giả nhẩy mừng hân hoan trong lòng bà, hớn hở vì hạnh phúc (xem Lc 6:23); trong khi mẹ cậu đầy Chúa Thánh Thần, đã trở nên một tiên tri. Giọng nói tiên tri nhân bản đầu hết cho những lời tiên tri trong Tân Ước là giọng nói của một người phụ nữ thế nào, thì sứ điệp đầu hết của phục sinh cũng sẽ là giọng nói của phụ nữ như thế.



Trước nhất, các lời tiên tri của Bà Êlisabét là một lời chúc tụng. Giữa mọi người phụ nữ, Đức Maria là người tiếp nhận sự chúc phúc đặc biệt, sự chúc phúc làm ngài trở thành Mẹ Đấng Mêxia, Đấng Diễm Phúc Tột Cùng. Bà Êlisabét cũng đã biến thành của riêng kinh tuyên xưng đức tin, vì nơi mẹ Chúa Giêsu, bà đã nhận ra người mẹ của Đấng cứu rỗi mình. Do đó, bà đã thốt ra mối phúc đầu hết, mối phúc ca ngợi đức tin: Đức Maria có phúc vì ngài tin rằng ngài sẽ trở nên mẹ Đấng Mêxia.



Thế rồi Đức Maria ngâm bài ca bất hủ của ngài: Kinh Magnificat. Dựa vào ca khúc của Anna (1Sm 2:1-10) và một số lời khác của các tiên tri và thánh vịnh, ca khúc này, trước nhất, nói tới những điều liên quan tới chính bản thân ngài, nhưng trong cung cách vừa ca ngợi và cảm tạ vừa tránh nói tới mình vì điều đang xẩy tới cho ngài thực ra là vì thế giới và sẽ được áp dụng cho hết thế hệ này tới thế hệ nọ.


Chính vì vậy, ngài cho rằng mọi thế hệ sẽ khen ngài diễm phúc. Đấy chính là căn bản của lời ca ngợi Thiên Chúa đầy kỳ diệu mà giáo hội mọi thời được thúc giục hát lên để đáp trả hồng ân mà Đức Maria đã tiếp nhận.



Sau đó, Mẹ Chúa Giêsu cử hành đức công chính của Thiên Chúa đối với nhân loại bị thương tích, cũng như lòng trung thành của Người đối với dân mình. Ngài đọc lại như mới lịch sử cứu rỗi và nối kết nó với những gì đang xẩy tới với ngài. Ngài cảm phục kế hoạch nghịch thường của Thiên Chúa, Đấng tới để giúp đỡ người thấp hèn, nghèo khó, và đói ăn, ngõ hầu đem lời đã hứa với Ápraham tới chỗ nên trọn cho họ và qua họ.



Cảnh Thăm Viếng thúc giục giáo hội, cùng với và như Đức Maria và Bà Êlisabét, bước vào vòng ca ngợi Thiên Chúa vì con đường nhân bản trên đó Người đã tới ở giữa chúng ta và, cùng với những người thấp hèn, bắt tay vào việc đổi mới thế giới.



C. Giáng Sinh



Cho tới đây, Thiên Chúa vẫn trực tiếp điều hướng các biến cố. Tuy nhiên, từ đây trở đi, xem ra Thánh Luca muốn nhấn mạnh tới các can thiệp của con người. Những can thiệp này sẽ ảnh hưởng tới việc thể hiện mầu nhiệm và đặt đức tin của Đức Maria và Thánh Giuse vào thế bị thử thách. Trước nhất, ta có sắc lệnh của Xêda Augustô buộc các vị phải lên đường. Nhưng chính sự kiện này chứng tỏ cho ta thấy việc sinh hạ của Chúa Giêsu không phải là một huyền thoại, vì nó xẩy ra vào một thời và tại một nơi trong lịch sử hoàn vũ, giống như việc Chúa chịu chết sẽ xẩy ra dưới thời Phongxiô Philatô.



Chính tại Bêlem, Đức Maria sinh hạ Con Trai “đầu lòng”. Kiểu nói này đặt Chúa Giêsu vào khuôn khổ luật Do Thái (Xh 13:15) và hướng tầm mắt ta vào việc dâng Người tại Đền Thờ. Vì Trẻ Sơ Sinh này chia sẻ các đặc ân cũng như bổn phận vốn thuộc mọi trẻ trai đầu lòng. Chứ kiểu nói này không hề có tính quyết đoán về việc em có mãi mãi là người con duy nhất hay không (10).


Ta nên lưu ý đến sự tương phản giữa hai phần của cảnh trên. Trước nhất, là tường trình khá chừng mực về hoàn cảnh khó khăn chung quanh việc sinh hạ Chúa Giêsu; chừng mực đến mức như ta đang đọc một mẩu tin ngắn. Nhưng sau đó là sự tỏ hiện sáng láng vinh quang Thiên Chúa (thần hiện) và một mạc khải mới được các thiên thần chuyển tải.



Dấu chỉ đầu tiên được ban cho người tin vào Chúa Kitô là một con trẻ nghèo hèn mới sinh, được quấn trong tã và đặt nằm trong máng cỏ: đó là dấu chỉ biện phân của Chúa Giêsu. Đức Maria và Thánh Giuse bao quanh con trẻ và trình bày con trẻ như đối tượng của niềm tin cho các mục đồng và sau đó, cho toàn thể giáo hội.



Chúng ta được dạy rằng Đức Maria “trân trọng gìn giữ tất cả những lời đó và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19). Vì khoảng phân cách giữa sự nhỏ bé của dấu chỉ và sự vĩ đại của các tước hiệu được ban cho Con Trai mình, Đức Maria cần hướng vào trong chính ngài và nội tâm hóa tất cả những gì đang xẩy ra và tất cả những gì ngoại thường được nói về con người nhân bản tí hon là chính Con Trai của mình này. Ngài đang tiến bước trên hành trình niềm tin của ngài.



Tám ngày sau, Con Trẻ được cắt da qui đầu, phù hợp với luật lệ Do Thái. Người được đặt tên là “Giêsu” như đã được loan báo trước khi Người được dựng thai. Chu kỳ sinh hạ của Chúa Giêsu đến đây hoàn tất.



Các giáo hội thờ phượng Trẻ Sơ Sinh được bọc tã và nằm trong máng cỏ này. Giữa cảnh yếu đuối, nghèo khó, và thấp hèn của máng cỏ, họ dâng cho Người mọi tước hiệu diệu kỳ của Thiên Chúa:Người là Chúa tạo vinh quang cho Thiên Chúa Cha. Khi các công đồng chung của thế kỷ thứ năm dành tước hiệu Theotokos (Mẹ Thiên Chúa) cho Nữ Tì của Chúa, người đã đem Chúa vào trần gian, họ đã làm thế không phải để tôn vinh ngài mà chủ yếu để tuyên xưng rằng Đấng được ngài sinh ra theo xác thân chính là Chúa và là Thiên Chúa của ngài.


D. Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ



Bằng việc lên Giêrusalem lần đầu để dâng Con Trẻ vào Đền Thờ (Lc 2:22 tt), cả Đức Maria và Thánh Giuse đều làm chứng cho gốc rễ của Chúa Giêsu trong lịch sử Do Thái và cho sự kiện Người thuộc về Thiên Chúa. Các ngài tuân theo các nghi thức được luật Môsê qui định: việc thanh tẩy mẹ cũng là việc dâng hiến con trai đầu lòng.



Việc dâng con tại Đền Thờ này là dịp cho một mạc khải tiên tri, vì hai người cao niên tới gặp Con Trẻ: Simêong ẵm Chúa Giêsu vào đôi tay và nhận ra ơn cứu chuộc của Thiên Chúa trong Em Bé, và Anna, người cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa và kể cho mọi người chung quanh về Con Trẻ. Con Trẻ này sẽ tự chứng tỏ mình là ánh sáng thế gian và do đó thực thi ơn gọi của Israel.



Simêong cũng nói tiên tri rằng Chúa Giêsu sẽ là dấu chỉ của mâu thuẫn và tâm hồn Đức Maria sẽ bị một lưỡi gươm đâu thâu qua (Lc 2:34-35). Mẹ Chúa Giêsu được kêu gọi không phải chỉ để trải nghiệm việc tách ly mà mọi người mẹ phải tập cho có đối với đứa con của mình; mà số phận bi thảm của Con Trai ngài sẽ còn tiếng vang đau đớn hơn nhiều trong lòng ngài. Đức tin của ngài sẽ không giúp ngài tránh khỏi trải nghiệp âu lo hay việc không thể hiểu; đức tin của ngài sẽ phải lớn mạnh để chịu đựng các thử thách do mạc khải Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa gây ra cũng như việc nên trọn đầy nghịch thường sứ mệnh của Người trên thánh giá mà người ta đã thoáng thấy ở chân trời.



Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu lúc Người được dâng hiến tại Đền Thờ, giáo hội tuyên xưng Người không phải chỉ là “vinh quang của Israel, dân Người”và “ánh sáng muôn dân”mà còn là Đấng mà ơn gọi sẽ dẫn Người tới thánh giá. Trong lời tiên tri, Mẹ Người cũng sẽ chịu cùng một thử thách dứt khoát ấy.



E. Chúa Giêsu lạc và được thấy lại trong Đền Thờ



Điều Simêong tiên báo trước đây bắt đầu nên trọn khi cha mẹ Chúa Giêsu lại lên Giêrusalem lần nữa (Lc 2:41 tt). Cuộc hành hương để mừng Lễ Vượt Qua của người Do Thái này có một hậu quả bất ngờ và đáng buồn. Cha mẹ phải lặn lội đi tìm người con đang tránh né mình và qua Đức Maria các ngài cho ta hay các lo âu và thiếu hiểu biết của mình. Nhưng khi Con Trẻ được thấy lại giữa các bậc thầy, Người tự tỏ mình cho Đức Maria và Thánh Giuse, cha nuôi, Người là Con Thiên Chúa, Cha đích thực của Người. Người mời gọi cha mẹ “hồi tâm”: để nhìn nhận căn tính đích thực của Người như là Đấng phải lo lắng việc của Cha mình. Cũng như lúc hạ sinh, giờ đây Đức Maria “giữ” (11) tất cả các biến cố ấy trong tâm hồn, dù ngài không hiểu thấu; tâm hồn này quả đã bị lưỡi gươm sắc thâu qua.



Đức Maria là người phụ nữ phải chấp nhận sự kiện này: Con Trai ngài đang thoát ra ngoài quyền kiểm soát của ngài, ngõ hầu ngài có thể chấp nhận Người trong con người thật của Người. Đức Maria đang tiến bước trong bóng đêm của thử thách. Đến lượt mình, giáo hội cũng phải dùng đức tin mà nhìn nhận rằng đầu hết và trên hết, Người là Con Đức Chúa Cha.



3. Tin Mừng Gioan



Trong khi phúc âm gia Gioan gọi Đức Maria là “Mẹ Chúa Giêsu”, thì Chúa Giêsu lại là người mạc khải và chỉ định ơn gọi cho Đức Maria bằng cách gọi ngài là “bà” (woman) và chỉ định ngài làm mẹ của môn đệ yêu dấu của Người khi ngài đứng dưới chân thánh giá.


Hai đoạn trong Tin Mừng Gioan (2:1-5 và 19:25-27) mô tả Đức Maria làm mẹ một cách rất căn bản: một ở đầu và lúc kết thúc biến cố ở Cana, một sau đó ở dưới chân thánh giá. Nhưng hai đoạn này cũng nhấn mạnh tới khoảng phân cách mà Chúa Giêsu muốn đặt giữa mẹ của Người và chính Người, xét vì ở cả hai biến cố ấy, Người xưng hô với mẹ là “bà”, chứ không phải là “mẹ”. Phải chăng Người không muốn nghĩ đến Đức Maria như người đem mình vào đời? Không phải thế, đúng hơn, ngữ văn trên chứng tỏ rằng Người muốn dành cho Đức Maria một vai trò vượt trên vai trò chỉ là mẹ về thể lý.



Tại Cana, Đức Maria không xin gì cùng Chúa Giêsu, mà là tiết lộ một sự kiện sẽ có ảnh hưởng tới việc tiệc tùng. Chính Đức Maria cho người ta thấy bữa tiệc không diễn tiến tốt. Đó là cách ngài “cầu bầu” với Con Trai mình. Ở đây, qua việc can thiệp của mình, ngài đã cho thấy các tín hữu nên lắng nghe các đồng loại nhân bản của mình và làm cho các nhu cầu của họ được biết tới ngõ hầu Chúa Giêsu đến giúp đỡ họ.



Người đang chạm trán với các nhu cầu này là chính Chúa Giêsu, Đấng mà, vào giờ này đây, sứ mệnh được coi như cân bằng một cách chênh vênh: “giờ của Người chưa đến”. Chúa Giêsu hiện diện ở chốn tiệc tùng nhân bản không phải để thoả mãn nhu cầu người ta cảm nghiệm ở đấy, nhưng là để tỏ vinh quang của mình ra và linh hứng cho đức tin của người ta. Chính mục tiêu sau đã được Người cho biết trước bằng cách thực hiện dấu lạ. Cái nhìn thần học của tin mừng đã tự biểu lộ cách đó. Đức Maria hiện diện lúc cái nhìn đó được biểu lộ dù ngài chưa hiểu rõ.



Câu hỏi gây bối rối “Việc đó có liên quan gì tới bà và con?” không chỉ đơn thuần nhấn mạnh tới các giới hạn của Đức Maria, là người đến lúc đó chưa hiểu ngay cách thế và thời gian vinh quang của Chúa Giêsu được tỏ hiện ra sao. Nó cũng mời gọi ngài tiếp nhận cái nhìn của Con Trai mình và từ bỏ sáng kiến riêng để đi theo sáng kiến của Người. Người ta có thể nói rằng theo nghĩa đó, câu truyện tại Cana là điểm mốc đánh dấu việc Đức Maria đang trên đường hồi tâm, vì qua đó, ngài hiểu rằng vai trò của ngài là hướng dẫn các gia nhân đến với Con Trai mình và lắng nghe lời Người cùng vâng theo lời ấy một cách trọn vẹn.



Đức Maria sẽ tự trải nghiệm điều này là sự vâng theo sứ điệp ấy và lời kêu gọi từ bỏ mình sẽ là nguồn đem lại sự chúc phúc. Đầy tin tưởng, ngay cả trước khi biết Chúa Giêsu sẽ làm gì, ngài có thể nói với các gia nhân: “hãy làm bất cứ điều gì Người bảo các ông”, qua đó, thúc giục họ hành động bằng đức tin, một đức tin chưa hề nghe nói tới như chính đức tin của ngài.



Việc “trở nên môn đệ” từng có nơi các gia nhân tại tiệc cưới Cana sẽ một lần nữa được tìm thấy nơi con người của môn đệ yêu quí. Đức Maria chấp nhận và biến thành của mình mối liên hệ gia nhân- môn đệ. Ngài hiện diện cả trong nhóm gia đình lẫn trong cộng đoàn môn đệ. Ngài tùng phục mối liên hệ kép đó và đồng ý chuyển dịch từ liên hệ đầu qua liên hệ sau, nhưng ngài sẽ chỉ bước trọn vẹn vào mối liên hệ sau sau biến cố đóng đinh: ở đó, Mẹ Chúa Giêsu sẽ trở thành mẹ môn đệ. Chúa Giêsu chịu đóng đinh kêu gọi ngài, vốn là mẹ tự nhiên của Người, trở nên mẹ các môn đệ được người môn đệ yêu quí đứng làm đại biểu, tức người môn đệ hết sức gần gũi với Thầy trong khổ nạn và trong phục sinh.



Tin Mừng Gioan lên cấu trúc cho 3 yếu tố: Maria-Mẹ-Chúa-Giêsu, Maria-Phụ Nữ, và Maria-mẹ-các môn đệ, theo cách định độ thần học: Khởi đi từ Maria “Mẹ Chúa Giêsu, Tin Mừng này diễn tiến với Maria phụ nữ để tới Maria “mẹ các môn đệ”, một chức phận làm mẹ mới, thuộc một trật tự khác với trật tự đầu tiên, một chức phận làm mẹ được giáo hội tuyên xưng cùng với Tin Mừng này.



Đức Maria và gia đình Chúa Giêsu



Tuy không chối liên hệ máu mủ hay chức phận làm mẹ thể lý của Đức Maria, Chúa Giêsu từng tương đối hóa hai sự kiện đó. Không những thế, Người còn từ khước không hề coi họ như những người ưu tiên: Mẹ của Người, anh em của Người, chị em của Người là những ai thực hiện thánh ý Thiên Chúa (Lc 8:19-21 và câu song song Lc 11: 27). Như thế, Chúa Giêsu coi Mẹ của Người là một tín hữu và là một người phục dịch.



Những ai được các Tin Mừng Nhất Lãm mô tả là “anh em của Chúa Giêsu” cũng được kêu gọi tiến xa hơn cái hiểu trực tiếp về Người như là thành viên gia đình, và mở lòng mình ra đón nhận mạc khải về căn tính sâu xa của Người. Khi được thông báo rằng Mẹ và anh em của Người ở bên ngoài muốn tìm Người, Chúa Giêsu đáp lại rằng Mẹ và anh em của Người thực sự là những ai “nghe lời Thiên Chúa và thực hành lời ấy” (Lc 8:19-21 và những câu song hành). Ở đây, ta thấy có một khoảng cách giữa Chúa Giêsu và nhóm gia đình mà Người là thành viên; nhưng khoảng cách còn đau hơn nữa với Mẹ của Người mới cho thấy lưỡi gươm được Simêong nói tiên tri (Lc 2:35) quả đã đâm thấu trái tim ngài. Về chính nhóm gia đình này, Thánh Gioan nói về họ rằng: “ngay anh em Người cũng không tin Người” (Ga 7:5).


Tuy nhiên, sau biến cố Thăng Thiên, Đức Maria và anh em của Chúa Giêsu sẽ tụ họp với các tông đồ với cùng một đức tin chung vào Chúa Kitô phục sinh (Cv 1:14). Các vị trở thành anh chị em của Người nhờ đức tin và do đó có trong số những người đầu hết thuộc đoàn lũ anh chị em mà Chúa Giêsu đã thu phục được bằng mầu nhiệm vượt qua của Người.



Hành trình đức tin của Đức Maria và con đường của anh chị em Chúa Giêsu tiến tới hồi tâm là gương mẫu cho mọi tín hữu. Những người sau được chứng tỏ rằng niềm gắn bó của họ với Chúa Kitô không thể nào có được nếu không có một sự nát lòng nào đó ở ngay tâm điểm cuộc sống họ, cho tới lúc họ có khả năng tuyên xưng trong sự thật trọn vẹn rằng con người Giêsu chính là Con Một Thiên Chúa.



Đức Maria, người hết sức gần gũi với con người Giêsu, trong tư cách làm mẹ, đã phải trải nghiệm cuộc thống khổ và cái chết của Con Trai mình, ngõ hầu trở thành một môn đệ trong giáo hội. Qua đó, ngài cảnh báo mọi Kitô hữu rằng họ không thể bỏ qua thánh giá và phục sinh mà vào được hợp đoàn của Chúa họ.
 

 

III. Điều thứ ba: Đức Maria trong hiệp thông các thánh



Điều thứ ba của Kinh Tin Kính đề cập tới Chúa Thánh Thần và giáo hội. Giáo hội được Thiên Chúa sinh ra vào ngày Lễ Ngũ Tuần qua hồng ân Chúa Thánh Thần được ban xuống. Khi các môn đệ tụ họp tại căn phòng trên lầu, chờ đợi giây phút khai trương này trong cầu nguyện, Đức Maria đã hiện diện giữa cộng đoàn Giêrusalem nhỏ bé này gồm chừng một trăm hai mươi anh em (Cv 1:14-15).



1. Hiệp thông các thánh



Hiệp thông các thánh đặt tâm điểm ở Chúa Giêsu Kitô. Dưới thẩm quyền của Người, giáo hội đem các tín hữu mọi thời lại với nhau, những người từng được ơn thánh của Người thánh hóa. Như thế, hiệp thông này tạo nên sự hợp nhất của nhiệm thể Người cả trên trời lẫn dưới đất, cả giáo hội chiến đấu lẫn giáo hội chiến thắng. Các giáo hội này hợp nhất một cách mầu nhiệm bất chấp các chia cách trong thời gian và trong không gian cũng như sự phân cách bởi cái chết. Vì những ai tin đều đã “từ sự chết bước qua sự sống” (xem Ga 5:24; 1Ga 3:14) hay nói như Thánh Phaolô, “cả sự chết lẫn sự sống… cũng không phân cách họ khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8:38-39).



Hiệp thông các thánh được cảm nghiệm trong phụng vụ (12); mà phụng vụ thì luôn vượt trên thời gian và không gian để kết hợp việc cử hành của cộng đoàn dưới đất với việc ngợi ca trường cửu của cộng đoàn trên trời (13). Đặc biệt nhất, chính trong lúc tưởng niệm thánh thể Chúa Kitô, trong đó, giáo hội dâng lời tạ ơn và ca ngợi lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, cộng đoàn cầu nguyện đã nối kết việc nhớ đến các thánh thuộc mọi thời và mọi nơi, cả Aben, Ápraham, Melkixêđê (14), với các người đàn ông và đàn bà ngày nay đang làm chứng và chết cho đức tin của họ. Bằng lời ca ngợi hơn là buồn bã, những cá nhân này cử hành việc họ đồng hình với “các đau đớn của Chúa Kitô” (Pl 3:10-11) trong khi chờ mong sự phục sinh mà người "trưởng tử” giữa họ từng trải nghiệm (Rm 8:29).



Sự chăm chú của ta vào chiều kích phụng vụ của hiệp thông các thánh đem chúng ta lại rất gần với các Giáo Hội Chính Thống, vì đối với các giáo hội này, phụng vụ là thước đo lòng sùng kính Đức Maria. Và quả thế, cách tốt nhất nắm được nền thần học thánh mẫu của Chính Thống Giáo, chính là nhờ tranh ảnh và các bản văn phụng vụ chứ không hẳn các bài giảng, các khảo luận hay các tín điều.


Trong hiệp thông các thánh, giữa đoàn người vô danh “không ai đếm được” (Kh 7:9), ta cũng tưởng niệm các “lực sĩ” của đức tin (xem 1Cor 9:26); đối với ta, họ là những người chạy trước và là khuôn mẫu để ta chạy theo, đó là các chứng tá của hai giao ước, các tử đạo và hiển tu (15), và trong số các vị này, người gần gũi Chúa Giêsu nhất trong huyết nhục, chính là Trinh Nữ Maria.


2. Từ Giáo Hội chưa bị phân rẽ tới các giáo hội tín phái



Việc dành cho Đức Maria một chỗ trong hiệp thông các thánh là kết quả của một khai triển khá dài. Ngài không dành được chỗ đứng ưu tiên này trong giáo hội sơ khai là giáo hội chỉ chuyên chú tới việc tuyên xưng Chúa Kitô là nguồn mọi chứng tá và là vị tử đạo trước nhất của mọi vị tử đạo. Giáo hội này cũng tôn kính Stêphanô như là người đầu hết đã “trả lại cho Chúa Kitô dòng máu Người đã đổ ra cho chúng ta”.



Bản văn có ý nghĩa nhất của Giáo Hội chưa bị phân rẽ nhắc đến vị trí của Đức Maria trong hiệp thông các thánh chắc chắn là bộ Lễ Qui Rôma, mà phần chính được biết là của Thánh Ambrosiô. Bộ Lễ Qui này đặt “Đức Maria vinh hiển, trọn đời đồng trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô” ở đầu mọi đấng thánh được tưởng niệm. Bộ lễ qui này chính là nguồn phát sinh ra lễ qui Thánh Lễ của Giáo Hội Phương Tây (16).



Trước khi tôn kính Đức Maria như người thứ nhất trong hiệp thông các thánh, việc sùng kính của dân Chúa đối với các tôi tớ gương mẫu của Người đã được dành cho các Kitô hữu không tử đạo nhưng “đã chết trên giường của họ”. Đó là những vị như Anatasiô, Martinô, Ambrôsiô, Monica, Augustinô, và Grêgôriô Cả.



Như thế, Đức Maria được tôn kính trước nhất như một trinh nữ và là khuôn mẫu của các trinh nữ sống đời tận hiến. Việc này xẩy ra là nhờ lòng nhiệt thành của các nữ tu do sự khuyến khích của các giám mục, nhất là hai thánh Anatasiô và Ambrôsiô. Sau khi đứng đầu đoàn ngũ này, đoàn ngũ mà ngài dẫn tới với Chúa Kitô, Đức Maria trở thành người đầu hết của mọi vị thánh.


Diễn trình khai triển có tính lịch sử trên đây chỉ có nghĩa khi vị trí ưu tiên của Đức Maria không bị hiểu là biệt loại, đứng ngoài. Ngày nay, các lời cầu nguyện khác, không kém chân thực như các lời cầu nguyện của Giáo Hội Công Giáo Rôma, có thể sử dụng nhiều vị trí ưu tiên khác, một cách hoàn toàn hợp pháp.



Cũng có thể nhận xét một cách thích đáng rằng bên ngoài phụng vụ, người Công Giáo cũng thực hành một loạt các việc sùng kính nhằm dành vị trí ưu tiên cho các thánh nam nữ khác, ngoài Đức Maria. Dù sự phổ thông của các việc sùng kính này có lẽ hơi quá đáng và thường dựa vào dã sử, nhưng rõ ràng là Đức Maria không phủ mờ “cột mây mênh mông các nhân chứng”, như lòng sùng kính đối với các thánh Martinô, Bonifaxiô, Patrick, Phanxicô Assissi, và nhiều vị khác.


Thực ra, không phải chỉ trong Giáo Hội Công Giáo mới có hiện tượng phổ thông về lòng sùng kính các thánh. Trong các giáo hội phát sinh từ Phong Trào Cải Cách, người ta cũng thấy có lòng sùng kính đối với đoàn ngũ đông đảo không kém các chứng tá này, dù không được gọi như thế: từ John Huss và Marie Durand, tới Dietrich Bonhoeffer và Martin Luther King, v.v…



Về phần mình, các Giáo Hội Chính Thống cũng tôn kính nhiều thánh nhân như Maria Scobtsova, Seraphim thành Sarov, và Silouane, và đã phong hiển thánh cho các vị này. Nhưng rõ ràng là các giáo hội này dành một chỗ hết sức trổi vượt trong hiệp thông các thánh cho Đức Maria. Chỗ đứng không bị thách thức này được dành cho ngài chỉ vì một lý do đơn giản: ngài là hình ảnh của giáo hội và là mẹ các tín hữu. Do định nghĩa, ngài là đấng đứng đầu những người được Chúa Kitô tuyên bố là “phúc thật” vì họ biết “lắng nghe lời Chúa và tuân theo nó” (Lc 11:28; xem thêm 8:21). Người ta thấy rõ sự ưu việt của ngài nơi sự kiện này: trong hàng ngũ nhân loại, chỉ có ngài được xưng tụng là panagia, “đấng thánh trong mọi sự” hay “đấng thánh thiện nhất”.


Kết luận



Ta đã cùng Đức Maria lược qua 3 điều của Kinh Tin Kính. Ta đã tháp tùng ngài trên hành trình của ngài từ một cô thiếu nữ Do Thái thấp hèn của Nadarét tới địa vị trổi vượt của ngài trong hiệp thông các thánh, một địa vị ngài có được vì ngài là đấng được Thiên Chúa chọn làm mẹ Đấng Mêxia.



Trong kinh Magnificat của mình, Đức Maria ca ngợi chức phận độc nhất của mình: ngài là nữ tì hèn mọn của Chúa, người mà Thiên Chúa, thánh thiện thay danh Người!, đã làm cho nhiều điều kỳ diệu; ngài thấy ngài được muôn thế hệ xưng tụng là “Người Có Phúc Lạ”, vì đã tin vào lời hứa từng ngỏ với Ápraham. Do kết quả lời Xin Vâng của ngài đối với sứ điệp của thiên thần, ngài trở thành mẹ của Chúa mình. Dù là mẹ và là người có phúc lạ, Đức Maria vẫn không quên cả nguồn gốc riêng của ngài lẫn sự cao cả của Đấng sẽ lấy nhục huyết của mình, và là Đấng siêu việt mọi giới hạn của thời gian và không gian trong tư cách “ánh sáng muôn dân” và “vinh quang Israel”.