Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Một phép lạ lạ nhất - Dám lội ngược

Tác giả: 
Lm Minh Anh

MỘT PHÉP LẠ LẠ NHẤT

“Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

 

Kính thưa Anh Chị em,

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói đến phép lạ, một phép lạ tâm hồn. Phép lạ đó đã chẳng xảy ra nơi dân Chúa thời Cựu Ước, cũng không xảy ra ở dân Chúa thời Tân Ước; bởi lẽ, dân của cả hai thời đều thiếu lòng tin. Giêrêmia nói cho dân lời của Chúa, ông bị phản đối trong đền thờ; Chúa Giêsu nói cho dân lời của Chúa, Ngài bị tẩy chay trong hội đường. Tin Mừng nói, “Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

 

Suốt hai tuần qua, dõi theo hành trình của Giêrêmia, chúng ta thấy vị ngôn sứ dường như quá đắng cay với sứ vụ của mình; với nó, xem ra ông chẳng tha thiết gì. Vì một đàng, Giêrêmia phải vâng lời Thiên Chúa, “Ngươi hãy nói cho họ biết tất cả những gì Ta truyền cho ngươi, không thiếu một lời”; đàng khác, ông lại chỉ chuốc vào thân sự đối kháng, “Ngươi phải chết, tại sao ngươi nhân danh Thiên Chúa mà nói tiên tri?”. Tình trạng căm ghét ông ngày càng gia tăng đến độ có lần, dân đã công khai đánh đòn Giêrêmia; lần khác họ trùm ông vào bao; lần khác nữa, họ chôn sống ông dưới hầm. Và cứ thế, lòng họ xơ cứng, chẳng chút hồi tâm.

 

Điều tương tự cũng đã xảy ra với Chúa Giêsu, một Giêrêmia thời Tân Ước, Ngài cũng phải trần thân với cái nhiễu nhương đó nơi người đương thời. Tin Mừng hôm nay hé mở nỗi nhiêu khê ‘mở hàng’ của Ngài với những gì đã xảy ra. Lần đầu tiên trở lại quê nhà, Ngài giảng dạy trong hội đường; thoạt tiên, người ta sửng sốt, thán phục nhưng sau đó, xầm xì, “Ông ấy không phải là con bác thợ sao?”, để cuối đời, số phận của Ngài sẽ còn tệ hơn số phận của Giêrêmia. Tin Mừng nói, “Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin”.

 

Nhưng phép lạ nào? Có phải là những gì ít ỏi Ngài đã làm cho người đương thời tức là chữa lành một vài bệnh nhân, cứu một vài người bị quỷ ám? Đây có phải là những phép lạ Tin Mừng muốn nói đến không? Câu trả lời sẽ là vừa “Đúng” lại vừa “Không”. “Đúng” ở chỗ Chúa Giêsu đã không làm gì nhiều cho người đương thời ngoại trừ đặt tay chữa lành một vài bệnh nhân; nhưng “không đúng” ở chỗ vì những phép lạ Ngài muốn làm sẽ “còn lạ hơn rất nhiều” so với những gì thuộc về thể lý vật chất. Phép lạ đó là gì? Đó là biến đổi các tâm hồn.

 

Sẽ ích lợi gì khi phép lạ này, phép lạ kia được thực hiện đó đây đang khi tâm hồn con người lại không quay về với Thiên Chúa? Cái gì sẽ làm cho một phép lạ lạ hơn, ý nghĩa hơn, đời đời hơn qua những việc làm của Chúa Giêsu? Hẳn đó là biến đổi các tâm hồn. Biến đổi, hoán cải các tâm hồn là phép lạ lạ nhất, quan trọng nhất. Buồn thay, qua mọi thời, phép lạ này hiếm khi xảy ra chỉ vì con người thiếu lòng tin. Rõ ràng, chỉ vì sự cứng lòng mà con người đã đóng kín tâm hồn khiến cho lời Thiên Chúa cũng như sự hiện diện của Người đã không thâm nhập được. Vì lý do đó, Chúa Giêsu đã không thể làm những phép lạ lạ nhất cho bất cứ ai như thế.

 

Vậy mà, thánh Ignatiô Giáo Hội mừng kính hôm nay lại là một con người đã được phép lạ lạ nhất đó. Một thanh niên, một sĩ quan đủ mọi tính hư nết xấu đời quân ngũ từ cờ bạc, rượu chè, trai gái… Bị thương ở chân, Ignatiô điều trị tại một bệnh viện; tại đây, cậu phải đọc gương Chúa Giêsu và hạnh các thánh vì không còn một cuốn sách vô bổ nào. Vậy mà nhờ đó, Ignatiô được ơn trở lại và cùng với chín người bạn khác, đã đặt nền móng cho Dòng Tên với tôn chỉ tất cả cho vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Ignatiô qua đời, Dòng Tên trở thành một trong những dòng ưu việt nhất của Giáo Hội, cống hiến cho Giáo Hội những người con thuộc tầng lớp tinh hoa thượng đẳng nhất. Thật không quá khi nói, “Dòng Tên đã cứu Âu châu khỏi Tin Lành”; một vị thánh cũng đã từng nói về Ignatiô, “Một con người và Thiên Chúa làm nên một đạo binh”, Ignatiô đã cung cấp những người lính và Thiên Chúa làm phần còn lại.

 

Anh Chị em,

 

Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang làm phép lạ nơi mỗi người chúng ta, liệu chúng ta có để Ngài biến đổi tâm hồn mỗi ngày để trở nên một tạo vật mới? Chúng ta có để cho Ngài tự do làm những điều lớn lao trong cuộc sống mình? Nếu chúng ta ngần ngại trả lời những câu hỏi đó, thì chắc chắn, Thiên Chúa đang muốn nhiều hơn trong đời sống chúng ta.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

 

“Lạy Chúa, người ta đợi phép lạ Chúa làm, Chúa lại chờ phép lạ con làm. Xin hãy cùng con làm một phép lạ lạ nhất trong con, hầu con cũng có thể trở nên một kiệt tác của ân sủng”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

 

DÁM LỘI NGƯỢC

 

Kính thưa Anh Chị em,

Cả hai bài đọc hôm nay nói đến hai nhân vật tương đồng: Giêrêmia, ngôn sứ thời Cựu Ước; Gioan Tẩy Giả, ngôn sứ thời Tân Ước. Số mệnh của hai ngôn sứ sẽ là điềm báo cho vận mệnh mai ngày của một ngôn sứ khác có tên là Giêsu, Ngôn Sứ của các ngôn sứ. Từ đó, Lời Chúa dẫn chúng ta đến một chủ đề đáng được suy nghĩ: những con người dám lội ngược.

 

Thời Giêrêmia, dân Chúa trở lòng, chạy theo thần ngoại, sống một cuộc sống vô đạo; Chúa sai Giêrêmia đến cảnh báo, rằng, tai hoạ sẽ ập xuống nếu dân không quay về với Chúa của họ. Dân không nghe; ba lần bảy lượt, họ tìm cách giết ông. Vậy mà Giêrêmia vẫn lội ngược, vẫn lên tiếng, “Hãy cải thiện đời sống và những điều các ngươi ưa thích, hãy nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, thì Chúa sẽ hối tiếc tai hoạ Người đã phán chống lại các ngươi”.

 

Chẳng hơn gì thời Giêrêmia, xã hội thời Gioan cũng ví tựa vũng bùn khi tôn giáo bị lãng quên, phong hoá ra suy đồi, điển hình là việc Hêrôđê lấy vợ anh mình. Chính giữa đầm lầy tanh hôi đó, Gioan xuất hiện như một đoá sen lẻ loi toả ngát hương thơm. Gioan lớn tiếng nhủ dân, “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng”; Gioan nhỏ giọng răn vua, “Vua không được lấy vợ anh mình”. Để bảo vệ luân thường đạo lý, Gioan không hùa theo dân, Gioan chẳng chiều theo vua và hệ luỵ của việc Gioan dám lội ngược là một cái chết oan khốc của một nhân cách phi thường vào ngày sinh nhật của một vị vua tầm thường.

 

Câu chuyện Tin Mừng nhắc lại bữa tiệc kỷ niệm ngày cất tiếng khóc chào đời của một con người được đánh dấu bằng ngày không kịp thét lên tiếng rú lìa đời của một con người khác; bánh sinh nhật của vị vua càn rỡ dọn chung với thủ cấp lênh láng máu của vị tiền hô hiển hách; rượu nồng hoà với máu tươi, bánh thơm trộn với thịt người. Tất cả chỉ để thoả dạ người tình nham hiểm của một vị vua ngông cuồng. Gioan bị loại trừ bằng một cái chết tức tưởi, vô duyên, khởi từ một điệu múa dáng duyên của một cô bé có duyên, con của một bà mẹ sắc duyên.

Vậy mà với Gioan, sứ mệnh toả hương đã hoàn tất, vai trò tiền hô đã trọn vẹn. Như một chứng nhân của cõi vĩnh hằng, Gioan nằm xuống như một cánh sen bị chặt phăng mà hương thơm vẫn man mác. Từ đó, tựa đoá sen dại cô đơn, Gioan chuẩn bị cho một cánh sen đích thực được Thiên Chúa đem trồng vốn sẽ cứu nhân loại nơi cõi bùn nhơ dương thế. Chúa Giêsu là đoá sen thường hằng toả ngát hương thơm, không chỉ man mác một thời nhưng sẽ toả hương mọi thời, miên viễn muôn đời cho mọi con người từ thuở hồng hoang đến ngày cùng tận. Đoản mệnh của vị tiền hô báo trước thiên mệnh đời đời của vị Thiên Sai. Gioan nằm xuống, nhưng Chúa Kitô sẽ đứng lên và sống mãi trong quyền năng của Đấng Phục Sinh cùng với Thánh Thần để tiếp tục toả ngát hương thơm cứu độ trong cõi bùn lầy nhuốc nha này. Và kìa, một cánh đồng sen nở rộ, đồng sen Hội Thánh, đồng sen của những tâm hồn bé mọn con cái Thiên Chúa đang điểm sắc, ngát hương khắp nơi trên cùng thế giới.

 

Anh Chị em,

Noi gương thánh Gioan và Chúa Giêsu, chúng ta phải sống làm sao giữa một dòng lưu vốn quá thế tục này? Trong mọi đấng bậc, để có thể nói, trước hết, chúng ta phải dám lội ngược, tức là dám sống; chúng ta chưa dám nói, vì chúng ta chưa dám lội ngược, chưa dám sống.

Nào hãy cùng đọc lại một đoạn trích tuyệt vời từ thư gửi Diognetus thời các giáo phụ, “Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ sống ở quê hương mình mà như những khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như lữ khách. Miền đất lạ nào cũng là quê hương, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình, sinh con đẻ cái nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau, nhưng không chồng chung vợ chạ. Họ sống ở trần gian nhưng là công dân của Nước Trời. Họ yêu thương mọi người, nhưng mọi người ngược đãi họ. Họ bị giết mà vẫn được sống. Họ là những hành khất, nhưng lại làm cho nhiều người giàu có. Họ thiếu thốn mọi thứ, nhưng lại dư dật mọi sự. Họ bị sỉ nhục, nhưng giữa sỉ nhục, họ được vinh quang. Danh thơm của họ bị chà đạp, nhưng bằng chứng về đời sống công chính của họ được phô bày. Bị nguyền rủa, họ chúc lành; bị đối xử nhục nhã, họ tỏ lòng kính trọng. Hồn ở trong xác thế nào, Kitô hữu sống giữa thế gian cũng như vậy. Linh hồn yêu thân xác, nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn; Kitô hữu yêu kẻ ghét mình. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm gì hại xác thịt, mà chỉ ngăn cho nó không đắm mê lạc thú; thế gian ghét các Kitô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú. Thiên Chúa đã đặt họ vào tình trạng như thế và họ không trốn tránh”.

 

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, lội ngược luôn luôn mệt, nhưng cậy vào ơn Chúa, con sẽ cố gắng mỗi ngày; nhờ đó, con cũng có thể điểm sắc khoe hương”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)