Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người cầu nguyện ca tụng

Tác giả: 
Vũ Văn An

   

 

Ca tụng người cầu nguyện

 

    ‘Bên Thánh Nhan, Ngài dấu họ kỹ càng, khỏi người đời mưu hại’ (Tv 31:21).

 

    Những đụn cát cũng cho ta nơi trú ấn an toàn. Cẩn thận tìm kiếm đôi chút quanh các đụn cát, ta sẽ khám phá ra nhiều ngóc ngách nơi ta có thể ẩn mình dễ dàng. Tuy vậy, tôi chưa bao giờ tìm cách ẩn mình trong thời gian tôi ở sa mạc. Trái lại tôi luôn tìm cách trèo lên những điểm cao nhất, dù cho có lúc tôi thấy mình như đang ở trong một giao thông hào hay một hầm trú ẩn. Những lúc như thế, tôi hiểu ra ý nghĩa của lời thánh vịnh trái khóay trên đây: ‘Bên Thánh Nhan, Ngài dấu họ kỹ càng’.

 

    Thực ra, còn có cái gì được phô ra ngoài cho bằng bộ mặt. Còn có cái gì ít được chống đỡ bằng nó. Ấy vậy mà khi được dấu kỹ nơi Nhan Thánh Chúa, người cầu nguyện thực sự được che chở khỏi những mưu đồ của thế gian và con người. Dĩ nhiên, theo quan điểm loài người, người cầu nguyện là người ngây ngô và ở thế yếu; thực tế ra, họ ở bên ngoài những mưu toan, những tính toán và những thông đồng của người đời.

 

    An toàn trong Thánh Nhan Chúa, người cầu nguyện không còn phải bận tâm lo bảo vệ mặt mình. Ông khôn ngoan ý tứ nhưng không nhát gan rụt rè. Chân thật nhưng không đần độn. Họ không bị quyền lực làm ra thối nát nhưng cũng không chịu chiều theo nịnh bợ. Họ đi lại và hành động hoàn toàn tự do và tự phát thoải mái. Họ tôn trọng mọi người nhưng họ không nể vì ai (coi mọi người như nhau). Họ không chạy chọt nơi quyền thế vì họ không có tham vọng. Họ chỉ cúi đầu thờ phượng Chúa thôi. Họ không tự phụ, không đua tranh, không trả thù trả đũa. Họ không tìm quyền lực, ân huệ hoặc tiếng khen.

 

    Người cầu nguyện không tìm cách đưa mình lên. Trái lại họ vui sướng khi bị lãng quên. Họ không biết xử trí ra sao với việc được người đời tán thành. Họ không lưu tâm gì đến lời tán tụng của kẻ khác. Họ không bận tâm đến việc phải tỏ ra mình là người hiểu biết, hợp thời, hợp mốt.

 

    Ngồi gọn lỏn trong cái an ổn của Thánh Nhan Chúa, người cầu nguyện hạ mọi pháo đài tự vệ xuống; họ cho thế giới thấy Thánh Nhan Chúa là nơi an toàn nhất bởi nó là nơi dễ vươn tới nhất trong vũ trụ này.

 

    Những người không lời lãi

 

    Trong một thế giới bị thống trị bởi sản xuất và lời lãi, một số người đã tự ý chọn không sinh lời. Trong khi phần lớn con người ta lo lắng đến rủi ro và biên tế thâu hoạch, thì những người không lời lãi này lại vui vẻ vì bị coi là không sản xuất. Họ chấp nhận sự vô dụng của mình trong khi người khác coi mình như tối cần cho thế gian.

 

    Ta tìm thấy thánh quan thầy của họ trong Phúc âm. Người đàn bà sức dầu thơm cho Chúa tại Bê-tha-ni. Phúc âm không ghi lại tên cũng như lời đàm thoại của bà. Những người có mặt hôm đó tỏ ra bất mãn khi bà đập bể bình dầu thơm đắt tiền và đổ hết số dầu thơm ấy lên đầu Chúa Giêsu. Họ lưu tâm đến giá cả và kết án hành vi phí phạm, làm như thể họ muốn đứng về phía người nghèo. Nhưng Chúa Giêsu lại bênh vực người đàn bà. Ngài nói, ‘đó là một nghĩa cử đẹp đối với tôi, và vì vậy, người ta sẽ mãi mãi nhớ đến bà’.

 

    Chúa Giêsu hân hoan với cái hành vi phi lý ấy. Ngài ca ngợi lòng quảng đại của người đàn bà và chấp nhận tặng phẩm của nàng. Ngài trân quí giá trị của những ai không biết khéo léo tính toán. Thế giới sẽ nghèo nàn xiết bao nếu những người như thế không hiện diện.

 

 

    Ca ngợi Chúa

 

    ‘Miriam lấy trống, mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống, nhẩy múa và hát lên rằng: Hãy hát mừng Đức Chúa, Đấng đã chiến thắng vẻ vang’ (Xh 15:20).

 

    Mọi người đều nghĩ đến những điều tối cần để sống sót trong sa mạc. Trừu và bò, vàng và bạc, quần áo giầy giép. Lưng họ còng dưới gánh nặng của những điều cần thiết. Chỉ có Miriam, cái cô gái vô tâm vô ưu đó, là nhớ mang theo mình nhạc khí. Cái cô gái đầu óc trên mây đó có lẽ đã làm cả một danh sách những vật dụng vô ích, không chịu để chúng lại Ai Cập nhưng kéo chúng theo cô vào sa mạc.

 

    Những nhà hiện thực chủ nghĩa bao giờ cũng nhất quyết ra đi nhẹ nhàng khi vào sa mạc, chỉ mang theo mình một chút tối thiểu. Tỷ dụ như vàng bạc. Người có óc thực tế hơn, có thể khuyên nên đem theo ít bánh và ít nước. Thế mà Miriam, cái cô gái ngây thơ ấy, lại cho rằng ca hát là điều quan trọng hơn cả trong sa mạc.  Dĩ nhiên là cô ấy đúng. Bởi trực giác cho cô hay trong cuộc hành trình của họ có nhiều lúc cần phải tạ ơn. Và thực vậy, ngay sau cuộc vượt qua Biển Đỏ lạ lùng, những vật dụng vô ích và kềnh càng như trống phách qủa đã trở nên tiện dụng vô cùng.

 

    Trong sa mạc, điều quan trọng hiển nhiên là đừng chất chồng những đồ vật dư thừa phù phiếm. Và người ta cần phải can đảm nhiều trong việc tự giới hạn cho mình những sự vật thật cần thiết mà thôi. Nhưng ca khúc ngợi khen phải là món cần thiết trong những món cần thiết nhất.

 

    Cho nên khi kẻ thù đã ở dưới gót chân, bạn hãy cầm lấy trống để ca ngợi Chúa. Khi miệng bạn khát khô cả họng và cơ thể kiệt lực vì nóng, bạn sẽ tự cứu bạn không phải nhờ bảo tồn năng lực nhưng dùng nó mà ca múa ngợi khen Chúa. Các thầy rab-bai Do thái nói đến hoa trái của môi miệng biết ca tụng Danh Chúa. Những hoa trái này là của lễ đẹp lòng dâng cho Chúa; nhưng đồng thời chúng cũng là chất nuôi dưỡng chính người dâng.

 

    Trong sa mạc, bạn có thể thiếu mọi sự, nhưng bạn đừng bao giờ quên hát bài ca ngợi Chúa. Và đó không phải chỉ là vấn đề tạ ơn Chúa vì Ngài đã làm phép lạ. Thực vậy, vì ca ngợi có thể đi trước cả phép lạ, hầu như khiến cho phép lạ xẩy ra.

 

                ‘Này con xin đàn hát xướng ca.

                 Thức dậy đi hồn tôi hỡi,

                thức dậy đi, hỡi đàn sắt đàn cầm,

                tôi còn đánh thức cả bình minh’ (Tv 57: 9).

 

    Tôi luôn luôn xúc động về những bài cầu nguyện được các đan sĩ hát vào lúc đêm khuya. Khi đã đánh thức tâm hồn mình, các đan sĩ âu yếm đánh thức bình minh, mời gọi ngày đi vào hiện hữu. Cũng như các đan sĩ và Miriam, tôi cũng phải học để tỉnh thức trong đêm đen, để ca ngợi Chúa với đàn với trống.

 

 

    Lời hằng sống

 

    Tôi đã phạm một số rất lớn các lầm lỗi trong đời sống thiêng liêng vì tôi bị ám ảnh bởi việc phải đạt thành tích. Cứ thế, không bài giảng nào lại không có kết luận thực tế. Không bài suy niệm nào lại không có quyết tâm. Không một trang nào mà không có áp dụng cụ thể. Tiếp theo đó là hàng loạt các giả định: một hành động tốt phải có hiệu quả tức khắc; một công việc đã được đảm nhiệm là phải đưa lại những kết quả trông thấy; một sứ mệnh nào đó phải thực hiện được mục tiêu đã tuyên bố. Những giả định này đưa lại hai hậu quả tiêu cực: nản lòng khi sự việc không xuông xẻo và tạo nên chiếc khung trong đó không có chỗ cho Chúa Thánh Thần hành động.

 

    Qủa thực có những ‘Tập chỉ dẫn để sống tốt’ và những ‘dự án canh tân’ làm ta đọc đến phát sợ. Những tập chỉ dẫn ấy đưa ra những công thức rất sáng giá, những định nghĩa rất chính xác và những kết luận có kiểm chứng. Chẳng khác chi những thảo chương điện toán cho đời sống thiêng liêng. Nhưng tôi nghĩ không còn chi lạ lẫm đối với Lời Hằng Sống của Phúc âm hơn thế. Bất hạnh thay (hay là may mắn thay), các thảo chương trên giấy ấy không bao giờ sản sinh ra sự sống cả.  Thảo chương không tạo ra những con người. Chỉ có Lời mới ban được sự sống. Nhưng phải để Lời hành động trong thinh lặng và bí mật.

 

    Trong sa mạc, bạn khám phá ra các sức mạnh đang làm việc dưới lòng đất. Tìm về gốc rễ, những hi sinh không tên tích lũy thành kết quả, những thất bại tích tụ thành sức mạnh, những còi cọc nay bỗng trổ bông. Bạn ngắm giọt nước mưa rơi xuống mảnh đất cháy khô. Nó biến mất ngay tức khắc. Nhưng bạn biết cái mặt đất khô cằn kia đã được chọc thủng và một tia sống được phát sinh ngay trong căn lều của thần chết.

 

    Sa mạc đòi bạn phải chọn giữa cái mặt đất bên trên và cái mặt đất bên dưới. Bạn thích dựa vào các kế hoạch có bảo đảm hay thích sống trong hy vọng hơn? Nhưng bạn nên nhớ rằng không thể đưa ra con số thống kê nào trong sa mạc. Bạn phải trông vào những gì không được ghi chép. Điều nhận thức này đã đến với tôi khi tôi đứng trước mộ của Charles de Foucauld, một cái chấm lẻ loi giữa cảnh hoang dại lộng gió của sa mạc.

 

    Cho nên xin bạn cho phép tôi được nói như thế này: không bao giờ bạn nên vội vàng muốn có kết quả ngay. Hãy để cho Lời có đủ thời giờ tạo được nơi cư trú ở trong bạn. Đừng cố gắng rút gọn Lời ấy vào các phạm trù của những áp dụng thực tế. Đừng lải nhải hỏi hoài, ‘Từ nó, tôi sẽ được chi?’ Vội vã và xách nhiễu Lời sẽ ‘phá thai’ nó. Cho nên đừng áp đặt lên nó cái tốc độ và hạn chót của bạn cũng như những nhu cầu của lúc này. Nhưng rồi có lẽ, chính lúc bạn quên nó hoặc muốn vất bỏ nó đi như đồ vô dụng, Lời sẽ trổ bông trên mảnh đất đầy sỏi đá.

 

    Ba vấn nạn

 

    Một buổi sáng, đang đứng trên đụn cát, tôi bỗng bị ba vấn nạn tấn công thật bất ngờ, và tôi không còn đường nào khác hơn là đối diện thẳng với chúng. Nhìn từ những đụn cát cao, chúng dẫn đến những lối giải thích rất lạ.

 

    Vấn nạn đầu tiên liên quan đến vấn đề hiệp thông. Tôi tự hỏi liệu một số cộng đoàn thiếu thông đạt có phải chỉ bởi vì họ nói nhiều mà nghe thì thật ít hay không. Thinh lặng dường như ít được đánh giá như là phương tiện để thông đạt. Cái ảo tưởng thông thường là chỉ cần lùa người ta vào một căn lều hay một căn phòng với nhau, là lập tức có sự hiệp thông giữa các tâm hồn. Hình như không một ai chịu nghĩ rằng người ta chỉ thực sự đi vào hiệp thông với nhau khi họ có được một mức độ cách khoảng, một không gian và một chút cô tịch đáng kể nào đó. Như thế thì chiều sâu mới là căn bản của bất cứ sự hiệp thông chân chính nào.

 

    Vấn nạn thứ hai là vấn đề thành tựu bản thân. Tôi có cảm tưởng rằng một vài hình thức thành tựu bản thân đã bị thúc đẩy bởi lòng vị kỉ. Điều ấy dường như đặc biệt được kiểm chứng khi bản thân ta vươn tới người khác qua các mối liên hệ xã hội và bản thân. Nói cách khác, người khác được sử dụng như phương tiện để ta đạt được sự thể hiện bản thân kia. Đầu tư vào bác ái, vào lòng tốt và đại lượng với mối hy vọng sẽ tìm được sự thành tựu đầy đủ trong đời. Nhưng sa mạc dạy ta rằng cách tốt nhất thực thi tình yêu đồng loại là tự bỏ mình đi chứ không phải tự thể hiện bản thân mình. Vì nếu bạn quá bị ám ảnh với việc tăng tiến nhân cách riêng của mình, bạn chẳng còn bao nhiêu thì giờ dành cho các nhu cầu của người khác nữa. Còn nếu bạn hạ các hàng rào phòng ngự bản ngã xuống, bạn sẽ thấy việc hiến thân phục vụ người khác trở nên dễ dàng hơn nhiều.


    Vấn nạn thứ ba là vấn đề suy niệm. Tôi từng được người khác dạy coi việc suy niệm như một thuật tích lũy ý tưởng và lên khuôn các ý nghĩ. Trong khi đó, sa mạc cho tôi thấy đối tượng thực sự của suy niệm là loại bỏ mọi ý nghĩ. Mục đích của suy niệm là để làm cho tôi bất ngờ đón nhận đấng bất ngờ, đó là Chúa.

 

************************************************************************