Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

PVLC - Mùa Thường Niên Chúa Nhật 33 Năm C

Tác giả: 
Cao Tấn Tĩnh

 

 

Chúa Nhật

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: Ml 4, 1-2a

 

"Các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho".

 

Trích sách Tiên tri Malakhi.

 

"Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy. Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người".

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 97, 5-6. 7-8. 9

 

Ðáp: Chúa ngự tới cai quản chư dân trong đường chính trực (x. c. 9).

 

Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua. - Ðáp.

 

2) Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót. - Ðáp.

 

3) Trước thiên nhan Chúa vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2 Tx 3, 7-12

 

"Nếu ai không muốn làm việc thì đừng có ăn".

 

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

 

Anh em thân mến, chính anh em biết phải noi gương chúng tôi thế nào, bởi vì chúng tôi đã không lười biếng lúc ở giữa anh em, cũng không ăn bám của ai, nhưng chúng tôi làm lụng khó nhọc vất vả đêm ngày, để không trở nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải chúng tôi không có quyền, nhưng là để nêu gương cho anh em, để anh em bắt chước chúng tôi. Bởi vì khi chúng tôi còn ở với anh em, chúng tôi đã truyền dạy anh em rằng: "Nếu ai không muốn làm việc, thì đừng có ăn". Vì chúng tôi nghe tin có một số người trong anh em sống nhàn cư, chẳng làm việc gì hết, nhưng lại dây mình vào mọi việc. Ðối với những hạng người đó, chúng tôi mời gọi và khuyến cáo họ trong Chúa Giêsu Kitô, để họ yên hàn làm việc và dùng lương thực mình tìm ra.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 24, 42a và 44

 

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 21, 5-19

 

"Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: "Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá". Bấy giờ các ông hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?" Người phán: "Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'. Các con chớ đi theo chúng. Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu".

 

Bấy giờ Người phán cùng các ông ấy rằng: "Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể. Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng. Vậy các con hãy ghi nhớ điều này trong lòng, là chớ lo trước các con sẽ phải thưa lại thể nào. Vì chính Thầy sẽ ban cho các con miệng lưỡi và sự khôn ngoan, mọi kẻ thù nghịch các con không thể chống lại và bắt bẻ các con. Cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu sẽ nộp các con, và có kẻ trong các con sẽ bị giết chết. Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ, các con sẽ giữ được linh hồn các con".

 

Ðó là lời Chúa.

 



 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

Tận thế là chủ đề của Phung Vụ Lời Chúa cho Chúa Nhật XXXIII Thường Niên Năm C hôm nay. Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại lời của Chúa Giêsu nói về Thành Thánh Giêrusalem nguy nga đồ sộ kèm theo thân phận bị tàn phá của thành: "Khi ấy, có mấy người trầm trồ về đền thờ được trang hoàng bằng đá tốt và những lễ vật quý, nên Chúa Giêsu phán rằng: 'Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá'".

 

Thật ra, Thành Thánh Giêrusalem này là hình ảnh về một Giáo Hội Chúa Kitô vào ngày cùng tháng tận của lịch sử thế giới này. Đó là lý do để trả lời cho thắc mắc được các môn đệ đặt ra: "Thưa Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra, và cứ dấu nào mà biết những sự đó sắp xảy đến?", Chúa Kitô đã cho biết những dấu hiệu báo trước như thế này: '"Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà tự xưng rằng: 'Chính ta đây và thời giờ đã gần đến'".

 

Qua chính lời của Chúa Kitô cho biết trên đây, chúng ta thấy dấu hiệu đầu tiên là dấu hiệu về thành phần tiên tri giả và kitô giả, tức là về một hiện tượng rối đạo, chối đạo, bỏ đạo và chống đạo, xẩy ra trong Giáo Hội và cho Giáo Hội vào thời điểm ngày cùng tháng tận này. Có thể nói, căn cứ vào dấu hiệu vừa khủng hoảng đức tin vừa phá sản đức tin này, chúng ta biết được là Giáo Hội đang sống vào thời điểm ngày cùng tháng tận.

 

Đối với thành phần tiên tri giả và tiên tri giả này, Chúa Kitô đã căn dặn thành phần môn đệ của mình, chẳng những bấy giờ mà còn dọc suốt giòng lịch sử của Giáo Hội, nhất là khi xẩy ra hiện tượng tuyên truyền lạc đạo này rằng: "Các con chớ đi theo chúng". Nhưng vấn đề làm sao biết được chân tướng của thành phần tiên tri giả và kitô giả để mà đề phòng và tránh né thì Chúa Kitô không nói rõ cho các môn đệ biết. Tuy nhiên, Tông đồ Gioan và Tông đồ Phaolô đã cống hiến cho chúng ta thêm những chi tiết quan trọng về vấn đề này, như sau:

 

"Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm (hay có thể dịch là "đã đến trong xác thịt - come in the flesh"), thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Ki-tô". (1Gioan 4:1-3);  "Vì có nhiều người mê hoặc đã lan tràn khắp thế gian, họ là những kẻ không tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm (hay có thể dịch là "đã đến trong xác thịt - coming in the flesh"). Đó là kẻ mê hoặc và là tên Phản Ki-tô" (2Gioan 7).

 

"Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa. Khi tôi còn ở với anh em, tôi đã từng nói những điều ấy, anh em không nhớ sao? Anh em biết cái gì hiện đang cầm giữ nó, khiến nó sẽ chỉ xuất hiện được vào thời của nó. Thật vậy, mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành. Chỉ đợi người cầm giữ nó bị gạt ra một bên, bấy giờ tên gian ác sẽ xuất hiện, kẻ mà Chúa Giê-su sẽ giết chết bằng hơi thở từ miệng Người, và sẽ tiêu diệt bằng ánh huy hoàng, khi Người quang lâm. Còn việc tên gian ác xuất hiện là do tác động của Xa-tan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án". (2Thessalonica 2:4-12)

 

Chính Giáo Hội, qua Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo 1992 của mình, ở khoản 675, cũng minh nhiên công nhận hiện tượng khủng hoảng đức tin nội tại của mình vào thời điểm ngày cùng tháng tận như sau:


"Trước ngày giáng lâm của Chúa Kitô, Giáo Hội sẽ trải qua một cơn thử thách cuối cùng, làm lung lay niềm tin của nhiều tín hữu (xem Lc 18,8; Mt 24,12). Cuộc bách hại đi theo một cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trái đất (xem Lc 21,12; Ga 15,1920) sẽ vạch trần cho thấy 'mầu nhiệm của sự gian ác', dưới hình thức của một thứ bịp bợm về tôn giáo, cao rao là mang đến cho người ta một thứ giải đáp cho những vấn đề của họ, với cái giá là phải chối bỏ chân lý. Thứ bịp bợm kinh khủng nhất sẽ là thứ bịp bợm của tên Phản Kitô, nghĩa là một thuyết Messia ngụy tạo, trong đó con người tự tôn vinh mình thay vào chỗ của Thiên Chúa và của Đấng Messia mà Ngài đã sai đến trong xác phàm (xem 2 Tx 2,412; 1 Tx 5,23; 2 Ga 7; 1 Ga 2,1822)".

 

Một dấu hiệu kèm theo dấu hiệu khủng hoảng đức tin và phá sản đức tin trong Giáo Hội này là những dấu hiệu khác liên quan đến tình trạng chiến tranh loạn lạc hận thù ghen ghét nhau trên thế giới cũng như dấu hiểu khủnbg hoảng về thiên nhiên cũng như môi sinh nữa, như Chúa Kitô xác nhận trong cùng bài Phúc Âm hôm nay: "Khi các con nghe nói có chiến tranh loạn lạc, các con đừng sợ, vì những sự ấy phải đến trước đã, nhưng chưa phải là hết đời ngay đâu... Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, và nước này sẽ chống với nước nọ. Sẽ có những cuộc động đất lớn mọi nơi; sẽ có ôn dịch đói khát, những hiện tượng kinh khủng từ trên trời và những điềm lạ cả thể". Nếu thế thì trong lịh sử thế giới không còn một thời điểm nào lại ứng nghiệm những gì Chúa Kitô nói về tình trạng khủng hoảng cả về đạo giáo, xã hội và thiên nhiên như thời điểm ở vào đầu thiên niên kỷ thứ 3 Kitô giáo hiện nay. Phải chăng Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng đang ở trong thời điểm "trước ngày giáng lâm của Chúa Kitô", như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khoản 675 trên đây đề cập?!

 

Bởi vì, còn một dấu hiệu nữa càng cho thấy ứng nghiệm hơn bao giờ hết thời điểm như ngày cùng tháng tận này, đó là sự kiện càng ngày càng bách hại và sát hại Kitô giáo hiện nay trên thế giới, một thế giới đã lên tới tột đỉnh về nhân bản và nhân quyền, với bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10/12/1948, nhưng lại là một thế giới, như lịch sử cận đại và hiện đại chứng thực, đã, đang và sẽ bách hại cùng sát hại Kitô hữu hơn bao giờ hết, chẳng những ở thế giới Hồi giáo cực đoan, mà còn ở ngay cả thế giới văn minh tây phương là nơi vẫn được đồng hóa với Kitô giáo, một thế giới tây phương đã sặc mùi hưởng thụ tự nhiên theo chiều hướng thiết lập một trật tự thế giới mới duy nhân bản và vô thần của Tam Điểm.

 

Dấu hiệu Kitô giáo bị bách hại và sát hại này đã được Chúa Kitô minh định trong bài Phúc Âm hôm nay: "Nhưng trước những điều đó, người ta sẽ tra tay bắt bớ, ức hiếp và nộp các con đến các hội đường và ngục tù, điệu các con đến trước mặt các vua chúa quan quyền vì danh Thầy; các con sẽ có dịp làm chứng". Đúng thế, một dấu hiệu ngược chiều khác nữa, cho thấy ngày cùng tháng tận đó là, ngay giữa tình trạng bị bách hại và sát hại, thì công cuộc truyền giáo lại càng mãnh liệt hơn bao giờ hết: "Các con sẽ có dịp làm chứng", như Thánh ký Mathêu cũng đã ghi nhận thêm lời của Chúa Kitô về hiện tượng cuối thời ngược đời này trong Phúc Âm của ngài như sau:

 

"Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng." (Mathêu 24:9-14)

 

Theo lời của Chúa Kitô trong Phúc Âm của Thánh ký Mathêu trên đây thì sự kiện "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết" là dấu hiệu cuối cùng báo hiệu "bấy giờ sẽ là tận cùng". Sự kiện "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết" đây đã không được ứng nghiệm hơn bao giờ hết hay sao, vào chính thời điểm khủng hoảng cả về đạo giáo, xã hội và thiên nhiên, cũng như vào chính thời điểm Kitô giáo bị bách hại và sát hại, khi mà chính các vị giáo hoàng, thừa kế Thánh Phêrô và là vị đại diện Chúa Kitô, chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội và loài người, đích thân tông du khắp thế giới, từ Đức Thánh Cha Phaolô VI bắt đầu từ năm 1964, sang Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (104 chuyến tông du), Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay.

 

Chúng ta không biết "bấy giờ sẽ là cùng tận" chính xác vào lúc nào, chỉ biết là theo sau sự kiện "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết. Và bấy giờ sẽ là tận cùng", nhưng sự kiện loan báo cuối thời này sẽ còn kéo dài cho tới lúc nào mới chấm dứt? Có lẽ cho tới khi "đủ số dân ngoại" (Roma 11:25), nghĩa là cho tới khi "toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ", tức cho tới khi dân Do Thái trở lại nhận biết Chúa Giêsu Kitô, để ứng nghiệm lời tiên báo của Chúa Kitô là: "sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử" (Gioan 10:16).

 

Nếu "Tin Mừng này về Vương Quốc sẽ được loan báo trên khắp thế giới, để làm chứng cho mọi dân tộc được biết"  vẫn có những con người không tin tưởng và chấp nhận thì sao? Xin thưa, như tiên tri Malachi đã báo trước trong Bài Đọc 1 hôm nay như thế này: "Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ, ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả, Chúa các đạo binh phán như vậy". Tất nhiên, ngược lại, thành phần tin tưởng chấp nhận tin mừng nàycũng đã được cùng vị tiên tri báo trước trong Bài Đọc 1 hôm nay rằng: "Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính mọc lên cho, mang theo sự cứu chữa trong cánh Người".

 

Thật ra, những ai không chấp nhận ơn cứu độ được loan truyền cho họ thì tự họ đã luận tội mình rồi, đã tự chuốc họa vào thân: "Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết." (Gioan 12:47-48). Bởi thế nên chủ đích chính yếu Chúa Kitô vinh quang tái giáng không phải là để luận phạt kẻ dữ cho bằng để cứu độ kẻ lành, tức những ai "bền đỗ đến cùng" (Mathêu 24:13), đúng như tác giả Thư Do Thái xác tín như sau: "Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người" (9:28).

 

Sự thật Chúa Kitô "lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết" (Kinh Tin Kính) mang một ý nghĩa chính yếu, như Thánh Vịnh 97 chiêm ngưỡng ở Bài Đáp Ca hôm nay, đó là "Người ngự tới cai quản địa cầu. Người cai quản địa cầu với đức công minh, và cai quản chư dân trong đường chính trực" (Câu 3). Bởi thế "địa cầu" và "chư dân" được mời gọi: "Hãy ca mừng Chúa với đàn cầm, với cây đàn cầm, với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là Vua" (Câu 1), và "Biển khơi và muôn vật trong đó hãy rống tiếng lên, cả địa cầu và những dân cư ngụ ở trong cũng thế. Các sông ngòi hãy vỗ tay reo, đồng thời các núi non hãy hân hoan nhảy nhót" (Câu 2).

 

 Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN.CNXXXIII-C.mp3

 

Ngày 17: Thánh Elisabeth nước Hung Gia Lợi, nữ tu

 

Elisabeth sinh năm 1207 trong một cung điện vua André đệ nhị nước Hung Gia Lợi. Tuy còn ít tuổi, nhưng lòng đạo đức của Elisabeth đã làm nhiều người phải chú ý. Dù ở trong cung điện nguy nga nhưng ngài chỉ muốn sống một cuộc đời giản dị và giàu lòng thương người. Lớn lên, ngài kết bạn với hoàng tử Louis nước Ðức. Thánh nữ luôn bắt chước gương khiêm tốn của Ðức Mẹ và sống cuộc sống nghiệm nhặt của các vị tu hành.

 

Sau khi vua cha băng hà, hoàng tử Louis lên thế ngôi, thánh nữ đã xin với tân vương cho cất một bệnh viện ngay tại cạnh hoàng cung để có dịp thường xuyên săn sóc các bệnh nhân. Ngài rất quảng đại trong việc chăm sóc các cô nhi và những người nghèo khó. Nhưng cuộc đời ngài cũng không thiếu những thử thách: khi vua Luois tử trận năm 1227 trong cuộc thánh chiến thì người em là Henri lên kế vị. Ông này đã trục xuất thánh nữ cùng với các hoàng tử ra khỏi hoàng cung vì sợ sau này mình sẽ mất ngôi. Bơ vơ không tìm được chỗ nương thân, ngài đã phải tạm trú trong một chuồng ngựa và còn phải đi ăn xin để nuôi bốn người con. Trong hoàn cảnh đắng cay này, ngài đã vui lòng chấp nhận để được nên giống như Chúa xưa.

 

Khi đoàn quân viễn chinh trở về, họ đã bắt buộc Henri phải trả lại ngai vàng cho người cháu, nên thánh nữ đưa các con trở lại hoàng cung. Ít lâu sau, ngài ẩn tu trong nơi hẻo lánh, sống cuộc đời âm thầm cầu nguyện trong tinh thần nghèo khó của dòng Phanxicô. Ngài an nghỉ trong Chúa năm 1231. Năm 1235, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô IX đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.