Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đời này ta được an nhiên, tự tại; đời sau ta được an vui, hạnh phúc

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

CN 33 QN                        

Đời này ta được an nhiên, tự tại; đời sau ta được an vui, hạnh phúc.

  “Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21,19).

   Mạng sống này là sự sống thể xác và sự sống của linh hồn.

 

  Sự kiên trì thật là quan trọng. Không có sự kiên trì, ta gặp khó khăn hay bị bách hại, ta dễ chán nản và bỏ cuộc. Cuộc sống ở đời này đã không dễ và có được cuộc sống ở đời sau lại càng không dễ chút nào.

 

  Cuộc sống đời này không dễ, tình hình chính trị, kinh tế; công ăn việc làm,... dù cho có sự phát triển của khoa học, của công nghệ. Càng phát triển bao nhiêu cuộc sống càng khó khăn bấy nhiêu. Vì cái gì cũng cần phải có tiền mới được. Tiện, lợi đấy nhưng cũng phải trả giá; trả giá rất cao, chứ không phải thường. Người ta chơi chữ mà nói rằng : “Lợi thì có lợi đó, nhưng răng không còn”. Miệng mà chỉ có LỢI không thì ăn uống làm sao. Cũng vậy, ngày nay cái gì cũng tiện, cũng lợi hết, nhưng nếu không có tiền thì cũng chịu thua thôi.

 

  Công việc làm ăn, cũng đâu có dễ, phải cạnh tranh; phải đầu tư,...nhưng càng đầu tư lớn bao nhiêu thì càng lỗ bấy nhiêu. Làm việc, làm thì nhiều mà lương thì ít, nếu không tiết kiệm thì không đủ sống. Nên ai ai cũng đi tìm công việc nhẹ mà lương cao, nên sự cạnh tranh lại càng khốc liệt. Người giàu thì muốn giàu thêm; người nghèo thì vẫn cứ nghèo.

 

   Rồi ta nghe tin tức mỗi ngày, ta thấy trên thế giới, nào là chiến tranh, nào là động đất; nào là mưa bão, lũ lụt; nào là ôn dịch; nào là đói kém, vv........ Rồi, cũng có những người bị bách hại vì niềm tin nữa. Muốn sống theo niềm tin của mình cũng khó khăn, không được tự do thực hành Đạo mình tin; có khi lại còn bị kỳ thị, bị chê bai; bị cấm đoán,....

 

   Tất cả những điều đó làm cho chúng ta lung lay, bất an. Có người tự hỏi :Nếu có Chúa thì sao lại xảy ra những điều đó? Chúa ở đâu? Chúa làm được gì ?

 

   Ta thấy, tất cả những điều đó xảy ra là do con người chứ không phải do Chúa. Đáng lẽ họ phải trách con người hay trách chính bản thân họ, chứ làm sao lại trách Chúa? Do con người cao ngạo, tưởng mình phát minh ra được cái gì là oai phong lắm, cứ tưởng mình là “thiên chúa”; cứ tưởng mình làm được mọi sự. Nào là “thay trời làm mưa”; nào là “nhân bản vô tính”; Sao không nhân bản vô tính những loài sắp tuyệt chủng đi; nhân bản heo, gà vịt, bò cho nhiều để cung cấp thịt ăn cho con người đi;......

 

   Máy móc, công nghệ cao thì nội việc học để sử dụng nó cũng đã bở hơi tai, lại còn chi phí cao, rốt cuộc cuộc sống ngày càng phức tạp và khó khăn.

 

   Rồi, do con người ích kỷ, ghen tị nữa, nên mới sinh ra mọi điều gian xảo và độc ác. Chỉ vì tiền mà cái gì người ta cũng có thể làm kể cả điều xấu xa. Vì cuộc sống của bản thân mình mà người ta sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm của người khác.

 

   Còn đối với chúng ta là những tín hữu Ki-tô, những người tin vào Chúa, thì đó lại là cơ hội để ta làm chứng cho Chúa (x. Lc 21,13), bằng cách kiên trì.

 

  Về sự sống thể xác : ta chăm chỉ làm việc, để có của nuôi thân. Sống có kỷ cương, kỷ luật. Làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ có giờ có giấc. Tiêu xài cũng một vừa hai phải, không có đua đòi, phung phí. Việc mình mình làm không có xen vào việc của người khác. Ai không chịu làm thì đừng có ăn, đừng có đòi hưởng; mình làm được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu. Và nhất là ta không chỉ có ở đời này mà còn phải tích cực lo cho đời sau nữa.

 

  Lo cho đời sau tức là lo cho sự sống của linh hồn ta. Dù cuộc đời có biến động; cuộc sống có khó khăn, ta vẫn kính sợ và tin tưởng vào Chúa. Chỉ tôn thờ một mình Chúa; hằng biết nghe và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống của mình. Dù không giàu có hay giỏi dang chi, ta cứ sống khiêm nhường và làm những điều tốt lành.

 

  Chúa chính là cái neo vững chắc cho ta bám vào, dù ta có bị ghét, bị ghen; có bị chê bai hay chỉ trích; có bị nói hành, nói xấu, ta cứ tin tưởng và phó thác vào Chúa. Tôi dùng “phó thác VÀO Chúa” chứ không dùng “phó thác CHO Chúa”.  Giữa hai cụm từ này, tôi cho là có sự khác nhau. Nói “phó thác CHO Chúa”, làm cho ta thụ động, có nghĩa là ta để cho Chúa làm, Chúa CHO. Không. Ta làm chứ không phải Chúa. Như một cầu thủ đá banh, anh ta cùng với đồng đội cố gắng sút bóng vào lưới đối phương và ghi bàn. Phát thanh viên hô : “Vào.......vào....rồi..”. Có nghĩa là ta làm, ta cố gắng trong sự tin tưởng VÀO Chúa; phó thác VÀO Chúa. Ta không làm tự sức riêng, mà còn làm với ơn Chúa nữa.

 

   Và một điều thú vị nữa là mọi cố gắng, mọi việc ta làm, ta có ta đều “SÚT VÀO” Chúa. Nghĩa là ta làm vì Chúa và vì sự sống đời đời của ta. Ta đừng có sút là ngoài; sút ra ngoài là “sôi hỏng bỏng không” đấy. Ta mà sút ra ngoài thì Chúa không công nhận bàn thắng của ta đâu, mọi công lao vất vả của ta sẽ “trôi xuống sông xuống biển” hết.

 

  Nếu ta “Sút Vào” Chúa, Chúa sẽ cho mặt trời công chính mọc lên mang theo tia sáng chữa bệnh (x. Ml 3,20a).

 

   Như mặt trời đem lại cho ta sự sống, cho thân xác ta, cho thế giới này khỏi lạnh thế nào, thì Mặt Trời Công Chính cũng đem lại cho ta sự sống; sự ấm áp của an bình; sự nồng cháy của nhiệt thành; sự nồng ấm của tin yêu; chữa lành cho linh hồn ta khỏi những đam mê trần thế, tiền của, danh vọng thể ấy.

 

   Quả thực, trong lúc thi đấu, có những cầu thủ vì ích kỷ, muốn một mình mình lập công nên không chịu chuyền cho đồng đội, kết quả là mất bóng. Những lúc phải chuyền cho đồng đội lại không chuyền, đến khi mệt lả mới chuyền, coi như đã trễ và mất cơ hội. Có người, có cơ hội một mình một bóng, lại không chịu sút, trên khán đài, khán giả cũng như phát thanh viên kêu khan cả cổ “sút đi....sút đi” nhưng anh ta lại không sút; sau đó thì anh ta ......sút, nhưng lại sút ra ngoài.

 

   Trong cuộc sống của ta cũng vậy, nếu ta ích kỷ, chỉ lo cho riêng mình thôi, ta sẽ “mất nhiều hơn là được”; ta không cùng làm với người khác, ta sẽ “mất nhiều cơ hội”; nếu ta có cơ hội mà không dùng; không dám làm, không dám sút, không dám mạo hiểm; không dám cố gắng, ta sẽ không thu được kết quả chi.

 

   Đơn cử như YÊU. Yêu mà ta ích kỷ, chỉ yêu vì mình, coi người khác như một đồ vật thì ai dám yêu ta. Yêu mà không dám nói yêu, không dám bày tỏ thì ai biết ta yêu. Yêu mà ta không trân trọng, không tôn trọng người “ta yêu” thì làm sao ta có được tình yêu chân tình; yêu mà ta không chịu hy sinh, không chịu trao đổi, không để người ta tự nguyện, tự do, cứ bắt phải theo ý ta thì ai dám làm người yêu của ta. Yêu mà không phải yêu “con người” đó mà yêu tiền, yêu của, yêu xe, yêu nhà,... làm sao có hạnh phúc được ?

 

  Do vậy, để có được một cuộc sống an bình và hạnh phúc ở đời này cũng như ở đời sau, ta phải kiên trì làm việc, học hỏi cũng như cố gắng sống tốt lành. Biết dùng những cơ hội, có lúc thì cá nhân, có lúc thì đồng đội, để ta thu được những kết quả tốt; giữ được mạng sống mình về thể xác cũng như linh hồn. Đời này ta được an nhiên, tự tại; đời sau ta được an vui, hạnh phúc.

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín