Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chứng nhân anh hùng

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

CHỨNG NHÂN ANH HÙNG (LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM)

 

Dựa theo từ ngữ Hán Việt, “tử đạo” là chết vì đạo. Tuy nhiên, theo ý nghĩa được dùng trong nguyên gốc Hy lạp “martys” thì có nghĩa là “làm chứng”. Các vị tử đạo làm chứng về điều gì? Kinh Thánh Tân Ước đã trình thuật  các môn đệ được trao sứ vụ ra đi làm chứng về Đức Giê-su, về sứ vụ của Người, nhưng bằng lời nói, bằng việc rao giảng, chứ không là bị giết chết do sự thù ghét đức tin như những định nghĩa của giáo luật về sau. Dần dần từ “martyr” (tiếng La-tinh) được dùng theo nghĩa hẹp: không còn bao gồm tất cả mọi hình thức chứng tá, mà chỉ giới hạn vào việc chứng tá bằng chính mạng sống của người làm chứng. Mừng lễ các Thánh Tử Đạo, Giáo hội tôn vinh những người con ưu tú đã hy sinh mạng sống của mình để xây dựng Giáo hội với tất cả lòng can đảm, quảng đại, yêu thương.

 

Bài đọc 1 lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (2Mcb 7, 1.20-23.27b-29) trình thuật một gia đình gồm có một bà mẹ với 7 người con đều chết vì Đạo. Chuyện khó tin nhưng có thật 100%. Có một điều gây ấn tượng sâu sắc là tính cách người mẹ. Vua An-ti-ô-khô là một hung thần khát máu, hắn ra lệnh bắt cả 8 mẹ con cùng một lúc nhưng không giết ngay tất cả. Hắn giết từng người con với mục đích là muốn bà mẹ thương con sẽ đầu hàng và xin làm tôi mọi cho hắn. Thật không ngờ bà mẹ không những đã không vì thương con mà làm lợi cho triều đình, trái lại còn khuyến khích từng người con chấp nhận khổ hình (bị giết cách tàn nhẫn). Đây quả là trường hợp hy hữu đặc biệt.

 

Thói thường cha mẹ thương yêu con cái, nếu có phải chết thay cho con thì những bậc cha mẹ giàu tình thương rất sẵn sàng. Còn trường hợp khuyến khích con chấp nhận cái chết để rồi chính mình cũng chết theo thì hầu như không thể có, hoặc nếu có thì chỉ là số quá ít (như trường hợp 8 mẹ con chịu chết vì Đạo như nêu trên). Một câu hỏi được đặt ra: Vì sao lại có trường hợp như vậy? Đọc tiếp bài đọc 2 (Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma – Rm 8, 31b-39) có thể lý giải được vấn đề.

 

Trong thư của Thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma (Rm 8, 31b-39), thấy có đoạn: “Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.” (Rm 8, 38-39). Nếu đem áp dụng vào lịch sử truyền giáo tại Việt Nam thì thấy rất phù hợp. Thật thế, tuy Việt Nam được tiếp cận Tin Mừng Cứu Độ hơi muộn, nhưng ngay từ khi hạt giống đức tin đầu tiên được gieo trên mảnh đất hình cong chữ S này, đã thấy rõ ràng “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (ibid), dù cho đó có là những thế lực phong kiến đầy uy quyền với những cách bách hại đạo khủng khiếp.

 

Sự thật hiển nhiên là chỉ trong ba thế kỷ, trên 130.000 Ki-tô hữu Việt Nam đã gắn liền cuộc đời minh với cây Thập Tự, hoà trộn máu của mình với Máu Đức Giê-su Ki-tô nhuần thắm cánh đồng truyền giáo Việt Nam. Trong số 130.000 anh hùng tử vì đạo ấy, Giáo hội đã tuyên phong 117 vị lên bậc hiển thánh. Trên 130.000 chứng nhân Tin Mừng anh dũng tuyên xưng đức tin vào cây “Thập giá Chúa Ki-tô”! Thật là một con số kỷ lục đối với một đất nước nhỏ bé và tiếp cận với Ki-tô giáo hơi muộn. Muộn, nhưng vững vàng – muộn, nhưng khởi sắc – muộn, nhưng tốt đẹp – “Muộn thì muộn, muộn thì càng chắc. Khó thì khó, khó chẳng lụy ai” (ca dao VN).

 

Há chẳng phải đó là một niềm vinh dự, một niềm tự hào cho quê hương đất nước Việt Nam thân yêu sao? Quả thật “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta”, đúng như lời Thánh Tử Đạo Tê-ô-pha-nô Ven nói với bọn quan quyền bách hại Đạo Chúa: “Tôi đã suốt đời thuyết giảng về Đạo Thập Giá, nay tôi lại đạp lên thập giá thế nào được? Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hoá đến độ tôi phải bỏ Đạo mà mua?” (Điệp ca Ca vịnh 3, Kinh Chiều II, Lễ kính CTTĐ/VN).

 

Hơn ai hết, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã thấm nhuần Lời dạy của Đấng khai mở Đạo Thập Giá: “Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” (Mt 1, 10-13). Vì thế, mở đầu bài giảng trong đại lễ “Tôn vinh Hiển thánh 117 vị Chân Phước Tử Đạo Việt Nam” tại Rô-ma ngày 19/5/1988, Thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II phát biểu: “Lên tiếng với anh em để hô vang Chúa Ki-tô Tử nạn Thập Giá, tất cả chúng tôi hôm nay để lời cám ơn anh em vì tấm gương nhân chứng đặc biệt các vị thánh Tử vì Đạo của Giáo hội Việt Nam anh em đã nêu cao, bất cứ các ngài là con dân Việt Nam hay là những Thừa sai, xuất xứ từ những nước đã in sâu mầm mống đức tin Chúa Ki-tô. Làm sao kể lại cho hết? Tất cả là 117 vị Tử Đạo, trong số có 8 vị Giám mục, 50 vị Linh mục, 59 giáo dân, trong số đó có một phụ nữ là thánh A-nê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.”

 

Càng suy niệm, càng thấy lời dậy của Thánh Phê-rô là xác thực: “Anh em thân mến, anh em đang bị lửa thử thách: đừng ngạc nhiên mà coi đó như một cái gì khác thường xảy đến cho anh em. Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỷ. Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em.” (1Pr 4, 12-14). Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã “thật có phúc”, vì “cùng được vui mừng hoan hỷ” khi “vinh quang của Đức Ki-tô tỏ hiện”.

 

Tổ tiên chúng ta đã anh dũng làm chứng cho Tin Mừng, làm chứng cho Chân Lý, đem Công Lý gieo mầm tin yêu trên dải đất chữ S thân yêu này. Điều đó, một lần nữa cho thấy chân lý: Máu các Thánh Tử Đạo là nguồn ân sủng chan chứa tưới trên đất nước Việt Nam, làm cho cánh đồng truyền giáo ngày càng thêm màu mỡ, trổ sinh biết bao hạt giống đức tin đơm bông kết trái rực rỡ như ngày nay. Điều này khẳng định nguồn ân sủng vô tận đó chính là để dành cho con cháu các Thánh Tử Đạo trước tiên, để con cháu ngày càng thăng tiến trong đức tin. Đức tin của tổ tiên vẫn mãi tồn tại và còn tiếp tục truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin này chính là nền tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần túy sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu đích thực của Chúa Ki-tô (công dân nước trần thế + công dân Nước Trời).

 

Không chỉ ở những chế độ phong kiến hà khắc, mà ngay cả ngày nay cũng vẫn còn những luồng dư luận cho rằng các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã theo đạo của đế quốc chống lại triều đình, làm hại cho đất nước mình (cõng rắn cắn gà nhà). Nhưng nhìn thẳng vào thực tế, sẽ thấy rằng đó hoàn toàn là một nguỵ thuyết được tô vẽ để che đậy cho ý đồ “tẩy chay Ki-tô Giáo”. Thánh Lu-ca Vũ Bá Loan – linh mục tử đạo, đã trả lời thẳng quan quyền: "Tôi chẳng theo đạo của nước nào cả, tôi chỉ thờ Chúa Trời Đất, Chúa của muôn dân thôi". Các Thánh Tử Đạo Việt Nam có chống lại chính quyền hay không? Hoàn toàn không! Không một Giáo sĩ hay giáo dân Tử Vì Đạo nào dùng vũ khí, vũ lực trần thế để chiến đấu, mà ngược lại các ngài chấp nhận để chính quyền giết hại, chỉ vì các ngài thấy rõ được chân lý cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô không nhằm vào cuộc sống tạm bợ trần gian, mà là nhắm đến sự sống vĩnh cửu mai sau.

 

Chính Thánh Tô-ma Khuông – linh mục tử đạo – đã thẳng thắn trả lời cho các quan quyền chụp lên đầu các ngài cái mũ “chống triều đình”, bằng câu nói bất hủ: "Đạo Gia-tô không những cấm tín hữu chống lại triều đình, mà còn khuyến khích để họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương an ninh thịnh vượng". Một cách cụ thể, gương chứng nhân của các Thánh Tử Đạo Việt Nam luôn minh họa một chân lý: Công ích của quốc gia vẫn là xuất phát điểm để người công dân phải dấn thân, nhưng đồng thời phải được tự do tuyên xưng đức tin của mình vào một Thiên Chúa Tình Yêu. Và như thế là để sống an bình hoà giải với mọi người và thực tâm xây dựng hạnh phúc cho toàn dân. Thật đúng như lời dạy của Thánh Phê-rô: “tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra, hành động như những người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng nhà vua.” (1Pr 2, 13-17).

 

Người Ki-tô hữu hãy noi gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà kiên cường rèn luyện cho mình trở thành một chiến hữu cảm tử vì Đạo Chúa. Xin nhấn mạnh: Cảm tử là liều chết, nhưng ở đây là liều chết vì Đạo Chúa, sẵn sàng hy sinh tất cả để làm chứng nhân cho Tin Mừng Cứu Độ của Đức Giê-su Ki-tô. Hãy sống như Thánh Si-mon Phan Đắc Hòa: "Dầu tôi phải mất vợ mất con, mất hết của cải và mạng sống nữa, tôi cũng không bao giờ bỏ Chúa tôi thờ.". Hãy học theo lời Thánh Phao-lô Tịnh nhắn nhủ các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh: Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Ki-tô ở cùng tôi. Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất..”. Ngài còn thưa với quan án: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được.”

 

Một cách cụ thể là “Hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ep 6, 10-17). Nói cách khác “Hãy mang chiến phục của Thiên Chúa” (Ep 6, 11), tức là phải coi bản thân minh như là “Một hiến tế sống động, thánh hảo, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12, 1-2). Tuyệt đối “Không được trốn tránh những cực nhọc và lao phiền” (2Cr 11, 27), sẵn sàng “đi con đường bác ái theo gương Chúa Ki-tô đã thương chúng ta và đã phó mình chịu chết cho chúng ta” ( Ep 5, 2) và nhất quyết “chạy hết quãng đường của mình” (2Tm 4, 7)

 

Mà muốn được như vậy thì đừng quên học theo các Thánh Tử Đạo Việt Nam, với lòng tôn sùng Đức Maria cách đặc biệt. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ bảy đầu tháng, với những cuộc rước long trọng, qua tháng Hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi hàng ngày. Nhiều người đọc kinh trên đường đi và lấy hạt chuỗi Mân Côi làm đơn vị tính đường dài. Tiêu biểu như Thánh Phi-lip-phê Phan Văn Minh (linh mục tử đạo) khi bị điệu ra pháp trường vẫn mặc áo dài, cầm tràng hạt trong tay vừa đi vừa lần chuỗi và trước khi bị xử tử, đã cầu nguyện lớn tiếng: “Lạy Mẹ, xin cầu cho con trong giờ lâm chung nguy hiểm này. Lạy Chúa xin thương đến con cùng. Xin Chúa ban cho con mạnh sức chịu cho sáng danh Chúa.”

 

Chính vì thế, nên trong giai đoạn cực kỳ gian khổ vì sự bách hại Đạo Chúa, các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhờ lòng cậy trông tuyệt đối vào Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, nên Đức Mẹ đã đoái thương và hiện ra an ủi tại rừng La-Vang (Quảng Trị) năm 1798. Điều đó chứng tỏ Mẹ vẫn luôn hiện diện để nâng đỡ khích lệ con cái mình trong những lúc khó khăn nhất. Thật là một niềm an ủi lớn cho Giáo hội Việt Nam vậy. Và vì thế, cánh đồng truyền giáo của Giáo hội Việt Nam luôn luôn và mãi mãi là một minh chứng sống động nhất cho chân lý bất biến: “người ta càng hành hạ áp bức dân Chúa, thì dân Chúa càng thêm đông đúc và lan tràn, khiến thiên hạ phải khiếp sợ” (Xh 1, 12).

 

Ôi! “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho Hội Thánh Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con. Xin nhận lời các ngài chuyển cầu, cho chúng con biết noi gương các ngài để lại: luôn can đảm làm chứng cho Chúa và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).

 

JM. Lam Thy ĐVD.