Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hà Hiếp Bất Công

Tác giả: 
Jos Hồng Ân

HÀ HIẾP BẤT CÔNG

CN 29 TN_C; Lc 18,1-8

 

Trên thế gian, trong cuộc sống hàng ngày xẩy ra đầy rẫy những chuyện  hà hiếp bất công, ăn hiếp, hay ức hiếp lẫn nhau, kẻ có quyền, có tiền, dùng quyền thế và sức mạnh của đồng tiền để lấn át, đè nén những người yếu thế một cách cay nghiệt và tàn ác. Trong thương mại thì tranh dành chỗ ngồi, tranh dành khách hàng dẫn đến, chửi bới, khủng bố, dọa nạt, dùng tiền để thuê xã hội đen, xã hội đỏ xử nhau, vì người đời vẫn nói “thương trường là chiến trường”. Học sinh kéo bè, kéo cánh để bắt nạt, ăn hiếp, đánh đập một người (bạn) cách tàn nhẫn. Người dân sống cạnh nhau, lấn chiếm đất của nhau, kẻ mạnh đè nén lấn chiếm, cướp đất của kẻ yếu. Kẻ có quyền thì dùng quyền để dàn áp, cướp nhà, cướp đất, cướp của dân nghèo, ….

 

Trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu đã đưa ra dụ ngôn một bà góa bị người ta hà hiếp bất công, bị thiệt thòi mà không có ai bênh vực. Bà đã phải chạy đến kêu cứu với quan tòa, để ông xét xử công bằng cho mình. Nhưng thật là đen cho bà, ông thẩm phán này lại là một người thiếu trách nhiệm, coi thường luật pháp, khinh thường người dân, tham ô hối lộ. Hơn nữa vì là bà góa nghèo không có tiền bôi trơn, đút lót nên ông bỏ qua lời đề nghị của bà.

 

Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c. 1).

 

Theo William Barclay, vào thời Đức Giêsu, có hai loại thẩm phán. Thẩm phán Do thái, xét xử trước các vị trưởng lão. Thẩm phán của Hêrôđê hay đế quốc Rôma: xét xử trước công chúng. Theo thánh vịnh 82,2-7 đã nói lên sứ mạng Thiên Chúa ủy thác cho các thẩm phán: “Hãy công minh xét xử kẻ bị áp bức và bà góa…”. Vị thẩm phán trong chuyện này là một trong những thẩm phán ăn lương được bổ nhiệm hoặc bởi Hêrôđê hoặc bởi đế quốc Rôma. Họ là những kẻ tham lam, nhũng nhiễu, xét xử theo tiền bạc và tình tư dục. Ông thẩm phán được đề cập trong dụ ngôn thuộc loại bất lương vì ông ta“không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta” (Lc 18,5).

 

Theo văn hóa của các quốc gia miền Cận Đông thời Chúa Giêsu, bà góa là những người nghèo bị áp bức, bị xã hội bỏ rơi, không được ai nâng đỡ. Bà không có tiền để đút lót, bôi trơn, làm sao thẩm phán thuộc loại “coi trời bằng vung” có thể xử cho bà được. Nhưng bà có một thứ võ khí duy nhất để đấu tranh, đi tìm công lý đó là sự kiên trì và bền bỉ: “Vì bà góa này cứ quấy rầy mãi” (Lc 18,5).

 

Dụ ngôn không có ý so sánh Thiên Chúa với thẩm phán bất lương, nhưng trái ngược lại với con người như thế, Đức Giêsu có ý nói: Thẩm phán bất chính còn như thế, lẽ nào Thiên Chúa không xem xét bênh vực những đứa con yêu ngày đêm kêu xin Ngài? Chắc chắn Ngài sẽ thương cứu giúp họ. Và như vậy, dụ ngôn đưa ra sự so sánh để nói lên sự tương phản giữa sự bất lương của vị thẩm phán, dùng quyền và tiền để xét xử, không theo lẽ công bằng. Còn của Thiên Chúa nhân từ, Ngài luôn thương xót và ban ơn cho kẻ kêu xin Người. Nhất là những người nghèo khổ, vì Thiên Chúa luôn bệnh vực che chở cô nhi quả phụ.

 

Bà góa trong dụ ngôn hôm nay, nhận thấy mình cần phải được minh oan, nhưng làm sao xin ông thẩm phán mở phiên tòa được vì ông không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể ai, bà lại không có tiền để đút lót. Vì thế bà không thể làm gì hơn là phải quấy rầy vị thẩm phán bằng cách kiên trì nài van, làm cho ông thẩm phán phải đau đầu nhức óc, cho đến khi ông nhượng bộ để xét xử cho bà.

 

Thánh Luca cho chúng ta thấy, vị thẩm phán tuy chẳng kính sợ Thiên Chúa, chẳng kiêng nể ai, thế mà lại chịu thua sự kiên trì của bà góa. Đứng trước sự kiên trì của bà góa, dù có bất nhân như ông thẩm phán trong dụ ngôn chăng nữa, cũng phải xiêu lòng, chịu thua. Như vậy, điều ấy cho thấy rằng nếu chúng ta kiên trì cầu nguyện thì Thiên Chúa vốn có lòng nhân từ thương xót lại không lắng nghe lòi cầu xin của con cái mình sao?

 

Thời Đức Giêsu hay thời nay cũng vẫn thấy vô số những câu chuyện hà hiếp bất công vẫn xẩy ra tràn lan, kẻ mạnh bắt nạt người yếu, kẻ có quyền thì ức hiếp thường dân, cấp trên thì uy hiếp cấp dưới, kẻ có tiền thì dùng tiền uy hiếp người khác… Những người yếu thế, những người nghèo khổ bị trà đạp hà hiếp chẳng biết kêu ai, kêu đến người có quyền, nếu không có tiền thì họ cũng làm ngơ, có khi hàng chục, hàng trăm lá đơn vẫn không ai trả lời, quá thất vọng và đau khổ họ chỉ biết kêu trời thôi.

 

Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một cách đó là phải kiên trì, đừng bao giờ thất vọng và không được nản trí: “có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. (Lc 18,3-4a). Nhờ vào sự kiên trì bền bỉ bà đã được nhận lời. “Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc 18,4b-5).

 

Qua bài học trên Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta phải kiên trì, phải cầu nguyện luôn không được nản chí, rồi Chúa Giêsu kết luận “chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao”? (Lc 18,7). Chính Chúa đã dạy: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24, 13). Nhưng Chúa biết rõ bản tính của con người hay thay đổi, mau nản lòng, không được mấy người có tính kiên nhẫn để chờ đợi, thời gian sẽ làm cho niềm tin của nhiều người bị phai mờ, nản lòng, thoái trí, rút lui, bỏ cuộc, làm cho Chúa đã phải thốt lên: Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng”? (Lc 18, 8b).

 

Lạy Chúa, trong đời sống của chúng con ở khắp mọi nơi vẫn hằng xẩy ra những chuyện, hà hiếp, bất công. Chúng con không biết kêu ai nơi trần gian này, chúng con chỉ biết cậy trông vào Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng công thẳng vô cùng, xét xử công minh, bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn, nâng đỡ cô nhi quả phụ, không thiên tư tây vị ai. Xin ban cho chúng con biết tìm về với Chúa là Cha nhân lành hằng yêu thương bênh vực và che chở chúng con. Xin cho chúng con kiên trì cầu nguyện luôn, không được nản lòng, nản chí. Amen.

 

Jos. Hồng Ân