Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Người quản gia bất lương

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NGƯỜI QUẢN GIA BẤT LƯƠNG          

(CN XXV/TN-C)

 

Quản gia là người làm thuê, trông coi việc nhà cho một gia đình giàu sang, quyền quý. Nói đến quản gia, chợt nhớ tới truyện “Mua Nghĩa” trong Cổ Học Tinh Hoa (quyển Thượng, trang 157). Truyện kể rằng: “Mạnh Thường Quân nhà giàu cho vay mượn nhiều. Một hôm sai quản gia Phùng Huyên sang đất Tiết đòi nợ. Lúc sắp đi, Phùng Huyên hỏi: “Tiền nợ thu được có định mua gì về không?” Mạnh Thường Quân nói: “Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì, thì mua.”

 

Khi đến đất Tiết, Phùng Huyên cho gọi dân lại, bảo rằng: “Các ngươi công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả.” Rồi đem văn tự ra đốt sạch. Lúc về, Phùng Huyên thưa với Mạnh Thường Quân rằng: “Nhà Tướng quân châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái “nghĩa”, tôi trộm phép Tướng quân, đã mua về.” Mạnh Thường Quân nghe nói thế, cũng không hỏi gì đến tiền nữa. Sau, Mạnh Thường Quân phải bãi quan về ở đất Tiết. Dân đất Tiết nhớ đến ơn xưa, ra đón rước đầy đường. Mạnh Thương Quân bấy giờ mới ngoảnh lại bảo Phùng Huyên rằng: “Trước tiên sinh vì tôi mua ‘nghĩa’, cái nghĩa ấy ngày nay tôi mới trông thấy.”

 

Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXV/TN-C – Lc 16, 1-3) cũng trình thuật dụ ngôn về người quản gia, nhưng là “Người quản gia bất lương”. Sở dĩ gọi anh ta là bất lương vì trong thời gian làm công cho chủ, anh ta “đã phung phí của cải nhà ông” (Lc 16, 1), nên bị chủ đuổi việc. Nhìn về cái tương lai đen tối khi bị mất việc, “Người quản gia liền nghĩ bụng: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” Lc 16, 3-4). Và thế là anh ta gọi những con nợ của chủ đến, đưa giấy nợ cho từng người và bảo họ ghi lại số nợ với con số thấp hơn (người nợ 100 thùng dầu thì ghi lại 50 thùng, người nợ 1.000 giạ lúa thì ghi lại 800 giạ…). Khi chủ phát hiện, không những đã không trách phạt, mà còn khen là khôn khéo.

 

Hai con người có cùng một cương vị (quản gia), cùng một việc làm (xóa nợ cho những con nợ của chủ), nhưng ý nghĩa khác hẳn nhau, cũng vì mục đích của vịêc làm trái ngược nhau. Người quản gia trong Cổ Học Tinh Hoa” xoá nợ cho các con nợ của chủ, vì nghĩ đến tương lai khi chủ mình không còn đắc thế như hiện tại, sẽ lâm vào cảnh “giàu sơn lâm lắm kẻ tìm, khó giữa chợ ít người hỏi” (tục ngữ VN), chẳng ai đoái hoài. Anh ta xoá nợ cho các con nơ của chủ nhằm mục đích sau này các con nợ nghĩ đến nghĩa cử đó, sẽ đền ơn đáp nghĩa cho chủ. Tất nhiên khi làm việc này, người quản gia cũng không quên nghĩ rằng lúc chủ được hưởng kết quả việc làm của mình sẽ không quên ơn mình.

 

Còn người quản gia trong bài Tin Mừng bị mất vịêc chỉ vì bản tính bất lương “đã phung phí của cải nhà ông chủ”. Với bản tính bất lương ấy, tất nhiên anh ta chỉ nghĩ đến cái tương lai đen tối của mình khi bị mất việc. Vì thế, anh ta mới giảm nợ cho các con nợ của chủ, nhằm mục đích được hưởng sự đền ơn đáp nghĩa của họ (“để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” – Lc 16, 4). Anh không hề nghĩ đến chủ khi làm việc này. Hành động ấy đến tai chủ, ai cũng tin chắc chủ sẽ nổi cơn thịnh nộ, không ngờ chủ lại khen là khôn khéo. Mới thoạt nghe, thấy có vẻ chướng tai nghịch lý; nhưng suy cho cùng, thì ở vào cương vị ông chủ, sẽ nghĩ rằng bản tính bất lương của người quản gia thì trước sau gì cũng vậy thôi, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình dù có thể làm phương hại đến người khác (“ích kỷ hại nhân”). Đằng nào cũng đuổi hắn rồi, thì có khen thêm một câu cũng chẳng mất mát gì nữa! Cũng có thể đây là lời mỉa mai của ông chủ đối với người quản gia bất lương.

 

Tuy nhiên, Đức Giê-su cũng khen là “khôn khéo” (“Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” – Lc 16, 8) ấy mới là điều cần suy niệm. Cũng vì thế, nên đã có nhiều bài chia sẻ cho rằng Đức Giê-su Ki-tô muốn dạy môn đệ nên làm theo việc làm của người quản gia “khôn khéo“ đó. Thực ra, nếu đọc kỹ câu nhận định của Đức Ki-tô thì vấn đề sáng tỏ ngay. Cái khôn khéo của anh quản gia chỉ là cái khôn ngoan của người đời, chớ không phải là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã ban cho “con cái ánh sáng”. Thánh Phao-lô đã khẳng định rõ ràng: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài.” (1Cr 3, 18-20).

 

Quả thật cái “khôn khéo” mà ông chủ khen người quản gia chính là cái “mưu gian” của anh ta trước mặt Thiên Chúa. Chính vì thế, nên tiếp liền sau dụ ngôn này, Đức Giê-su đã dạy: “Trung tín trong việc sử dụng tiền của của người khác”. Người chỉ rõ “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” và kết luận: “Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?” – Lc 16, 10-12). Trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác phải là hành động của người quản gia của Mạnh Thường Quân (truyện cổ “Mua Nghĩa”), chớ không bao giờ có thể là dùng tiền của của người khác mưu lợi ích cho riêng mình như người quản gia trong dụ ngôn “Người quản gia bất lương”, vì đó là hành động “ỉch kỷ hại nhân” (lợi mình hại người). Như vậy, thì Lời dạy của Đức Giê-su có thể diễn nôm: Con cái trần gian ranh ma quỷ quyệt hơn con cái Thiên Chúa. Rõ ràng Đức Ki-tô không dạy nên bắt chước làm theo tên quản gia bất lương.

 

Cuối thế kỷ XX, có một tấm gương tuyệt vời về vấn đề “trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác”, đó là Thánh Tê-rê-sa Calcutta: Mẹ Tê-rê-sa Calcutta khi chăm nuôi săn sóc cho “một đống phế liệu của thời đại” (như một nhà báo Tây phương đã nói với Mẹ), tất nhiên với sức mình Mẹ không thể làm đưiợc, nếu không nhờ những tấm lòng quảng đại của các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trên khắp năm châu bốn biển. Nếu Mẹ sử dụng của cải do các “Mạnh Thường Quân” giúp đỡ cho riêng Mẹ, thì chắc chắn Mẹ sẽ là một “phú gia địch quốc”, đại gia số 1 của thế giới. Mẹ đã không làm thế, mà toàn tâm toàn ý đem tất cả những của cải quyên góp được cho việc thưc thi “chứng tá bác ái” (Tông thư “Porta Fidei”, số 14). Vì thế, Mẹ đã được thế giới (không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo) tôn xưng là Mẹ và khi về với Thiên Chúa Tình Yêu, Mẹ đã được ĐTC Phan-xi-cô tuyên phong mẹ lên bậc hiển thánh vào ngày 4/9/2016.

 

Nói đến tiền của là nói đến cái hấp lực ghê gớm của nó. Có nó là có tất cả, bởi “Đồng tiền liền khúc ruột”, và cũng bởi “Đồng tiền là tiên là Phật, Là sức bật của tuổi trẻ, Là sức khoẻ của tuổi già, Là cái đà của danh vọng, Là cái lọng để che thân”. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là vì thế, “Có tiền mua tiên cũng được” cũng là vì thế! Đến như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm còn phải thốt lên: “Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử, Hết cơm, hết gạo, hết ông tôi”, hoặc như Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh: “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì”. Thật đúng là “Hoàng kim hắc thế tâm” (tiền vàng làm đen tối lòng người). Vì tiền bạc mà vợ chồng lục đục, cha mẹ con cái bất hoà, anh em chia rẽ, gia đình ly tán. Rộng ra hơn nữa, trong hội đoàn, làng xóm thì chia bè kết phái, tranh giành đấu đá nhau, cũng chỉ vì “trọng phú khinh bần” (trọng giàu khinh nghèo). Đến như một quốc gia, hay trên thế giới, các cuộc chiến tranh tuy có nhiều hình thái và khoác nhiều bộ mặt khác nhau, nhưng chung quy phần lớn đều do tiền bạc của cải mà ra cả.

 

Suy cho cùng, tiền của là do con người sáng tạo ra để trao đổi mua bán thực phẩm, vật dụng phục vụ cho đời sống, đáng lẽ ra con người phải làm chủ và dùng nó như một phương tiện mưu sinh. Không dè đến một lúc nào đó, nó lại quay ngược làm chủ con người, khiến con người trở nên như một đầy tớ, và từ đó sinh ra đủ thứ chuyện, đủ thứ tội ác. Vâng, của cải tiền bạc thế gian có thể là một tên đầy tớ trung thành, nhưng cũng có thể trở thành một ông chủ bất lương. Ăn thua là người có nhiều tiền của đã coi nó như một phương tiện sống, hay quỵ luỵ nó và coi nó như một ông chủ với thế lực vạn năng. Chính vì thế, Đức Giê-su mới dạy: "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được." (Lc 16, 13).

 

Nói về tiền của thì không biết thế nào là cùng, dù ai cũng luôn miệng bô bô “tiền của chỉ là phù vân”. Trong kinh Lạy Cha, lời cầu xin đầu tiên cho bản thân là “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày”. Muốn có lương thực thì phải lao động, phải vã mồ hôi, đem hết sức ra làm việc, chớ không thể “há miệng chờ sung rụng”, hoặc dùng mưu gian chiếm đoạt của người khác. Có thể không trực tiếp làm ra lúa gạo lương thực, nhưng vẫn có thể làm công việc khác kiếm tiền để mua lương thực. Kiếm tiền mưu sinh là lẽ đương nhiên, Chúa không cấm cản, nhưng kiếm tiền theo kiểu bất lương như anh chàng quản gia trong bài Tin Mừng thì dứt khoát không được.

 

Cũng là những phương cách chân chính mà kiếm được nhiều tiền của trở nên những phú gia địch quốc, những đại gia vô địch thì đó không phải là một cái  tội, nhưng khi sử dụng những tiền của ấy thì phải biết cách sử dụng, phải coi nó chỉ là phương tiện giúp ích cho đời sống, chớ không thể coi nó như một ông chủ, một bà chúa. Ngay từ Cựu Ước, tổ phụ Áp-ra-ham là một người giàu có (“Ông Áp-ra-ham rất giàu, ông có nhiều súc vật và vàng bạc” – St 13, 2). Giàu có như vậy, nhưng vì sao ngài lại được Đức Chúa phán: "Đứng lên! Hãy đi ngang dọc khắp miền đất này, vì Ta sẽ ban nó cho ngươi." (St 13, 17)? Đến như I-xa-ac (là con của tổ phụ Ap-ra-ham) cũng “trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể" (St 26, 13), hay ông Gia-cóp làm giàu và “Thế là ông trở nên giàu, thật giàu; ông có chiên dê đầy đàn, có tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa." (St 30, 43); nhưng Thiên Chúa vẫn thương ban thêm những đặc ân khác. Chính vì tổ phụ Áp-ra-ham, ông I-xa-ac và ông Gia-cóp đã biết sử dụng tiền của một cách công chính. Các ngài đã coi tiền của chỉ là phương tiện sống và nếu dư thừa thì biết đem chia sẻ cho những người nghèo khó, bất hạnh.

 

Thật vô cùng ý nghĩa khi Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-sô: “Anh  em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình. Đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại. Vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh  em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm kiếm đâu là ý Chúa.” (Ep 5, 15-17). Thiết tưởng đó cũng là lời khuyên chí tình chí nghĩa đối với mọi tín hữu. Người Ki-tô hữu ngày hôm nay dứt khoát không sống khôn ngoan theo thói đời, mà phải sống khôn ngoan theo thánh ý Thiên Chúa (sống bằng + sống bởi + sống với Lời Chúa). Hãy trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, kể cả của chính mình làm ra. Khi sử dụng tiền bạc của chính mình thì chỉ cốt “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn” (tục ngữ VN). Của cải dư thừa thì phải nhớ đến những anh em bất hạnh hơn mình, nghèo khổ hơn mình… mà chia sẻ từng miếng cơm manh áo. Chỉ có như thế, thực sự chỉ có như vậy mới xứng đáng là con cái ánh sáng, để trở thành kẻ “khôn ngoan thật” (1Cr 3, 19).

 

Ôi! Lạy Chúa! Con vẫn hiểu rằng một lương tâm trong sáng ngay thẳng thì luôn thể hiện sự trong sáng ấy trong việc sử dụng tiền bạc, nhất là luôn trung tín khi sử dụng tiền bạc của người khác. Nhưng lạy Chúa! Với thân phận mỏng giòn, yếu đuối, con lại cũng biết rằng con khỏ lòng đứng vững trước hấp lực ghê gớm của tiền bạc. Cúi xin Chúa ban Thần Khí dạy dỗ con biết sử dụng những gì Chúa ban cho con để phục vụ Chúa và mọi người, nhất là để mưu cầu hạnh phúc cho những người chung quanh con. Xin giúp con luôn giữ trọn đức công chính đối với mọi người, để con xứng đáng là môn đệ của Chúa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.