Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

PVLC CN XXII Thường Niên Năm C

Tác giả: 
Cao Tấn Tĩnh

 

 

Chúa Nhật

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: Hc 3, 19-21. 30-31

 

"Con hãy hạ mình, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa".

 

Trích sách Huấn Ca.

 

Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa.

 

Tai hoạ dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết. Người thông minh suy ngắm trong lòng lời dụ ngôn, chăm chỉ nghe là kỳ vọng của người khôn ngoan.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 67, 4-5ac. 6-7ab. 10-11

 

Ðáp: Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần (x. c. 11b).

 

Xướng: 1) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa. - Ðáp.

 

2) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt. - Ðáp.

 

3) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 12, 18-19. 22-24a

 

"Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống".

 

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

 

Anh em thân mến, không phải anh em tiến tới một ngọn núi có thể sờ được, hay là lửa cháy, gió lốc, mây mù, bão táp hoặc tiếng kèn, và tiếng gầm thét, khiến cho người nghe xin tha đừng nói với họ lời nào nữa. Trái lại, anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu.

 

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

 

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 14, 1. 7-14

 

"Hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

 

"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này'. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên'. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".

 

Rồi Người lại nói với kẻ đã mời Người rằng: "Khi ông dọn bữa ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, bà con hay láng giềng giàu có, kẻo đến lượt họ cũng mời ông, và như thế ông đã được trả lễ rồi. Nhưng khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".

 

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Trong bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật XXII thường niên Năm C hôm nay, Chúa Giêsu muốn khuyên nhủ cả 2 thành phần dự tiệc và mời tiệc.  

 

Trước hết, với thành phần dự tiệc, như Người được “một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa” hôm ấy, Chúa Giêsu đã khuyên họ hãy tỏ ra khiêm tốn như sau: “khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết”

 

Sau nữa, với thành phần mời tiệc, như chủ nhà người biệt phái mời Người hôm ấy không biết vì lý do gì, có thể vì lý do kính phục Người, thì Người đã nhắn nhủ hãy tỏ ra bất vụ lợi như sau:  

 

“Khi làm tiệc, hãy mời những người nghèo khó tàn tật, què quặt, và đui mù; ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại".  

 

Như thế, chúng ta thấy 2 thái độ khiêm tốn của thành phần dự tiệc, được phản ảnh nơi Bài Đọc 1, và thái độ vô vị lợi của thành phần mời tiệc được phản ảnh nơi Bài Đọc 2. 

 

Thái độ khiêm tốn của thành phần dự tiệc, được phản ảnh nơi Bài Đọc 1: “Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hoà, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quý chuộng. Càng làm lớn, con càng phải hạ mình trong mọi sự, thì con sẽ được đẹp lòng Chúa; vì chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả, và mọi kẻ khiêm nhường phải tôn vinh Chúa”. 

 

Thái độ vô vị lợi của thành phần mời tiệc, được phản ảnh nơi Bài Đọc 2: “Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu”. 

 

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa Giêsu lại bao gồm cả thành phần mời tiệc trong bài Phúc Âm hôm nay, trong khi ngay ở đầu bài Phúc Âm cùng ngày, chỉ liên quan đến thành phần dự tiệc, thành phần được Thánh ký Luca nhận thấy muốn “dò xét Người”, xem Người nói năng và tác hành ra sao, có gì sai xẩy để bắt bẻ Người, có xứng với lòng kính phục của gia chủ biệt phái của họ hay chăng, và Thánh Luca còn cho biết chính Chúa Giêsu cũng “nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ…”? Tại sao Chúa Giêsu không chỉ khuyên dạy thành phần dự tiệc thôi, mà lại còn bao gồm cả thành phần mời tiệc nữa?  

 

Xin thưa, nếu thành phần mời tiệc không hoàn toàn vô vị lợi, còn nhắm đến tư lợi trong một việc làm bề ngoài có vẻ hiếu khách của mình, thì chắc chắc họ sẽ không thể nào tránh được tâm trạng tìm mình trong mọi sự, nhất là khi ở vị thế được mời bởi những kẻ đã được chính họ mời trước, vì họ nghĩ rằng họ xứng đáng được ăn trên ngồi trước bởi họ đã tiếp đãi và làm ơn người họ đã mời nay được người đó mời lại.  

 

Có nghĩa là thành phần dự tiệc sở dĩ thích nâng mình lên là vì nghĩ rằng mình xứng đáng, đáng mời, do công trạng của mình, chứ không nghĩ mình bất xứng, chẳng đáng, khi ở vị thế nhỏ bé của một người được mời, đối với chủ nhân mời mình, nhất là vị gia chủ mời mình lại là chính Thiên Chúa, Đấng thiết tiệc Nước Trời, Đấng có quyền tống cổ những ai bất xứng ra ngoài, tức những ai “không mặc áo cưới” (Mathêu 22:11). 

 

Và đó là lý do chúng ta mới thấy thấm thía của tác giả Thư Do Thái khuyên nhủ Kitô hữu giáo đoàn Do Thái trong Bài Đọc 2 hôm nay, như đã được trích dẫn trên đây và xin được trích lại một lần nữa:  

 

Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời, tiến đến giữa muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời, và đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người, đến cùng các linh hồn những người công chính hoàn hảo, đến cùng Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu”. 

 

Theo chiều hướng chính yếu của Bài Phúc Âm là nền tảng cho cả Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XXII Thường Niên Năm C hôm nay thì câu nói trên của Bài Đọc 2 mang hình ảnh của một bữa Tiệc Nước Trời: nơi tổ chức thiêt đãi bữa tiệc này là “núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời”, và thành phần dự tiệc bao gồm “muôn ngàn thiên thần, và cộng đoàn các trưởng tử đã được ghi sổ trên trời”, và chủ tiệc là “Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người “. 

 

Cũng theo chiều hướng chính yếu của Bài Phúc Âm cùng ngày này thì thành phần Kitô hữu được mời “tiến đến cùng Thiên Chúa, Ðấng phán xét mọi người” ở bữa tiệc Nước Trời là được hoan hưởng ơn cứu độ vô cùng cao quí này, một ơn cứu độ được mang lại bởi “Ðấng trung gian của giao ước mới là Ðức Giêsu”  (Bài Đọc 2), phải tỏ ra xứng đáng với thân phận được mời của mình như ”những người công chính hoàn hảo” (Bài Đọc 2), ở chỗ biết “đến ngồi vào chỗ rốt bét”, như Chúa Giêsu khuyên dạy trong bài PhúcÂm hôm nay.  

 

Chỗ rốt bét” đây là gì và ở đâu, nếu không phải là Thánh Ý Chúa, Đấng toàn quyền thực hiện tất cả những gì hoàn hảo nhất Ngài muốn cho chung loài người và cho riêng từng người,  và ở chỗ bỏ ý riêng mà tuân theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự, bằng tất cả lòng tin tưởng phó thác của mình vào Lòng Thương Xót Chúa. Chính vì “ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên", mà người tỳ nữ xin vâng Maria mới trở thành đệ nhất tạo vật về ân sủng của Thiên Chúa. 

 

Chính vì thế, thành phần được mời dự tiệc, nếu thật sự nhận thức được than phận được mời bất xứng của mình, hoàn toàn là do Lòng Thương Xót Chúa, thì mới có thể cảm nghiệm thấy: “Ôi Thiên Chúa, do lòng nhân hậu, Chúa đã chuẩn bị chỗ định cư cho kẻ cơ bần”, câu đáp của Bài Đáp Ca hôm nay của thành phần dự tiệc cảm thấy mình “mồ côI” (câu 1), “bị bỏ rơi” (câu 2), “cơ bần” (câu 3): 

 

1) Những người hiền đức mừng rỡ hỉ hoan, trước nhan Thiên Chúa họ mừng vui sung sướng. Hãy hát mừng Thiên Chúa, hãy đàn ca danh Người, hãy sửa sang đường lối cho Ðấng ngự giá qua hoang địa.  

 

2) Là Cha kẻ mồ côi, là Ðấng bênh vực người quả phụ, Thiên Chúa ngự trong thánh điện của Người. Thiên Chúa tạo nhà cửa cho những người bị bỏ rơi, dẫn đưa những người tù tội ra nơi thịnh đạt.  

 

3) Ôi Thiên Chúa, Ngài làm mưa ân huệ xuống cho dân Ngài, và khi họ mệt mỏi, Ngài đã bổ dưỡng cho. Ôi Thiên Chúa, đoàn chiên Ngài định cư trong xứ sở, mà do lòng nhân hậu, Ngài chuẩn bị cho kẻ cơ bần.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN.CNXXII-C.mp3  

 

--