Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

PVLC Chúa Nhật XX Thường Niên Năm C

Tác giả: 
Cao Tấn Tĩnh

 

 

Chúa Nhật

Phụng Vụ Lời Chúa 

 

Bài Ðọc I: Gr 38, 4-6. 8-10

"Ngài đã sinh ra tôi làm người bất thuận sống trên vũ trụ".

Trích sách Tiên tri Giêrêmia.

Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: "Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ". Vua Sêđêcia phán rằng: "Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì". Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn.

Abđêmêlech ra khỏi đền vua và đến tâu vua rằng: "Tâu bệ hạ, những người này chỉ toàn làm những điều ác đối với tiên tri Giêrêmia, họ ném ông xuống giếng cho chết đói dưới đó, vì trong thành hết bánh ăn". Vậy vua truyền dạy Abđêmêlech người Êthiôpi rằng: "Hãy đem ba mươi người ở đây theo ngươi, và kéo tiên tri Giêrêmia ra khỏi giếng trước khi ông chết".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 39, 2. 3. 4. 18

Ðáp: Lạy Chúa, xin cấp tốc trợ phù con (c. 14b).

Xướng: 1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. - Ðáp.

2) Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi. - Ðáp.

3) Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa. - Ðáp.

4) Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: Dt 12, 1-4

"Chúng ta hãy kiên quyết xông ra chiến trận đang chờ đợi ta".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, cả chúng ta, chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh, chúng ta hãy trút bỏ tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và tội lỗi bao quanh chúng ta. Chúng ta hãy cương quyết xông pha chiến trận đang chờ đợi ta. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài, ngõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng. Vì chưng, trong khi chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa đến nỗi phải đổ máu.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 12, 49-53

"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

Ðó là lời Chúa.

 

 

Suy Niệm Cảm Nghiệm

 

Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, căn cứ chính yếu vào Bài Phúc Âm của Chúa Nhật XX Thường Niên Năm C, có thể nói là câu: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”.

 

Phép rửa” đây Chúa Giêsu muốn ám chỉ những gì, nếu không phải cuộc khổ nạn và tử giá của Người, “phép rửa” mà chính Người “khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất”! Tại sao? Tại vì, như Người đã khẳng định ngay đầu Bài Phúc Âm hôm nay: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên”.

 

Lửa” được Người “đem xuống thế gian” và “mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên” trên thế gian này ấy là gì, nếu không phải Thánh Linh, Đấng mà các vị tông đồ sẽ “chịu phép rửa khi nhận được quyền lực từ trên cao” (Tông Vụ 1:8) ở Giêrusalem trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Đấng hiện xuống như hình lưỡi lửa đậu trên đầu của từng vị (xem Tông Vụ 2:3), sau khi Người Thăng Thiên về cùng Cha!

 

Đó là lý do, trước khi Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan), Người đã được vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả của Người tiên báo về Đấng đến sau cao trọng hơn ngài rằng: “Tôi chưa hề biết Ngài, nhưng Ðấng đã sai tôi đến thanh tẩy bằng nước, chính Người đã nói với tôi: Ngươi thấy Thần khí đáp xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh thần.” (Gioan 1:33).

 

Thế nhưng, để có thể thực hiện phép rửa trong Thánh Thần vô cùng thiết yếu, một phép rửa tỏ hiện tất cả mạc khải thần linh của Thiên Chúa, Đấng là tình yêu vô cùng nhân hậu, nhờ đó, loài người vô cùng thấp hèn và tội lỗi nói chung, và những ai tin vào Ngài nói riêng, được muôn đời hiệp thông thần linh với Ngài, thì chính bản thân Chúa Giêsu Kitô Con của Ngài “phải chịu một phép rửa” khổ nạn và tử giá bất khả thiếu.

 

Hình ảnh Người “phải chịu một phép rửa” khổ nạn và tử giá bất khả thiếu đây đã được cả Bài Đọc 1, liên quan đến số phận bị ám hại của Tiên Tri Giêrêmia, lẫn Bài Đọc 2, về chính Chúa Giêsu Kitô, hôm nay cho thấy.

 

Bài Đọc 1: “Trong những ngày ấy, các thủ lãnh tâu vua rằng: ‘Chúng tôi xin bệ hạ cho lệnh giết người này, vì nó cố ý nói những lời làm lũng đoạn tinh thần chiến sĩ còn sống sót trong thành này và toàn dân. Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ’. Vua Sêđêcia phán rằng: ‘Ðấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì’. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng. Giếng không có nước, chỉ có bùn, nên ông Giêrêmia sa xuống bùn”.

 

Bài Đọc 2: “…Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹnvà rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. … Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngài”.

 

Đúng thế, “lửa” được “Lời đã hóa thành nhục thể” (Gioan 1:14) là Chúa Giêsu Kitô “đã đến mang xuống thế gian” đây chính là Thánh Thần, và Người đã “mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên” bằng cuộc khổ nạn và tử giá của Người. Và đó là lý do ngay sau khi sống lại từ trong cõi chết, vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần, khi hiện ra với các tông đồ lần đầu tiên, Người đã thông ban cho các vị Thánh Thần của mình, qua hơi thở sự sống, từ thân xác phục sinh của Người, được Người thổi trên các vị (xem Gioan 20: 22), những con người đang ở trong sự chết đầy nỗi sợ hãi và thất vọng.

 

Quả thật, thành phần đầu tiên được Chúa Giêsu Kitô thắp “lửa” Người “đem xuống thế gian” là chính các vị tông đồ, thành phần chứng nhân tiên khởi của Người, tiêu biểu cho chung những ai được Người tuyển chọn và kêu gọi làm môn đệ của Người trong giòng thời gian cho đến tận thế, thành phần nhân chứng của Người, chẳng những “ở Giêrusalem, khắp Giuđêa và Samaria” (Tông Vụ 1:8), mà còn “cho đến tận cùng trái đất nữa” (cùng câu vừa trích).

 

Các vị tông đồ chứng nhân tiên khởi, và cùng với các vị và theo các vị, Kitô hữu hậu sinh là môn đệ của Chúa Kitô Phục Sinh, “chịu phép rửa khi lãnh nhận được quyền lực từ trên cao” (Tông Vụ 1:8), là để “các con sẽ trở thành nhân chứng của Thày” (cùng câu vừa trích), không phải chỉ, dù trước tiên, ở Thánh Địa (Giêrusalem, Giuđêa và Samaria), mà còn, sau đó ở “khắp thế giới” (Marco 16:15) nữa, “cho đến tận cùng trái đất” (Tông Vụ 1:8), cho tới khi Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

 

Và chính vì thành phần chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô được lãnh nhận “phép rửa trong Thánh Linh” của Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô như thế mà họ cũng đã, như Người, nhưng với Người và trong Người, trở thành mục tiêu chống đối của thế gian, bao gồm cả chính những ai thân tình nhất của họ, đúng như Chúa Kitô đã khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay:

 

Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".

 

Thành phần môn đệ đích thực của Chúa Kitô bị chống đối là vì họ sống theo tinh thần của Người, theo giáo huấn của Người, một tinh thần và một giáo huấn siêu việt trên thế gian của Người, theo tác động hiệp thông của Thánh Linh, những gì hoàn toàn vượt trên thế gian, hơn là phản lại thế gian, nhưng vì “thế gian chuộng  tối tăm hơn ánh sáng” (Gioan 3:19), nên bất khả tránh xẩy ra tình trạng “chia rẽ nhau”, mà nạn nhân thua thiệt chính là thành phần thiểu số môn đệ chứng nhân của Chúa Kitô, như lịch sử của Giáo Hội đã từng chứng thực.

 

Thực tế cho thấy, không phải là không xẩy ra trường hợp thành phần Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, không kể những người sống phản chứng Kitô, mang tích cách “phản Kitô”, còn có những tâm hồn không thể hay không dám trung thành với Người khi chạm trán và đụng độ với quyền lực hay áp lực của thế gian. Đó là lý do, trong Bài Đọc 2 hôm nay, Kitô hữu giáo đoàn Do Thái mới được nhắc nhở và khuyên nhủ hãy theo mẫu gương của Chúa Kitô, Đấng đã “phải chịu phép rửa” khổ nạn và tử giá vô cùng khủng khiếp của Người cho phần rỗi của nhân loại nói chung và cho Giáo Hội của Người được thánh hoá nói riêng (xem Gioan 17:19), như sau:

 

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Ðức Giêsu, Ðấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mìnhNgười đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹnvà rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nghĩ đến Ðấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của những người tội lỗi vào chính con người của Ngàingõ hầu anh em khỏi mỏi mệt mà thất vọng”.

 

Tuy nhiên, những ai là Kitô hữu môn đệ của Chúa Kitô, thành phần chứng nhân đích thực và sống động của Người, ở trong những trường hợp “chia rẽ nhau” như thế, chẳng những không nản chí và bỏ cuộc, trái lại, còn càng tin cậy vào Đấng Phục Sinh “được toàn quyền trên trời dưới đất” (Mathêu 28:19), c ũng như vào Đấng Quan Phòng Thần Linh vô cùng khôn ngoan, toàn thiện và toàn năng là chủ tể của lịch sử loài người hơn bao giờ hết, như tâm tình và chiều hướng của Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu.

2) Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi.

3) Và Người đã đặt trong miệng tôi một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta; nhiều người đã chứng kiến và tôn sợ, và họ sẽ cậy trông vào Chúa.

4) Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Ðấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên 

 

TN-CN.XXX-C.mp3