Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lửa Yêu Thương, Lửa Bình An

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

CN 20 QN          

Lửa Yêu Thương, Lửa Bình An

 

 “Anh em tưởng Thầy đến để đem bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết, không phải thế đâu. Nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc12,51).

 

Câu nói này của Đức Giê-su làm chúng ta giật mình và chưng hửng. Vì chúng ta vẫn nghĩ và tin rằng Đức Giê-su là sự bình an của Thiên Chúa. Chúa đến để đem bình an đến cho nhân loại. Ngày Chúa giáng sinh, các Thiên Thần đã tung hô:

 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (x. Lc 2,14).

 

  Vậy sao hôm nay Chúa lại nói Chúa không đem bình an mà đem chia rẽ?

 

Sự bình an Chúa nói ở đây là gì và sự chia rẽ là gì?

  Sự bình an nói ở đây là trạng thái được an toàn và yên ổn theo sự suy tưởng của con người chúng ta. Có nhiều tiền, nhiều của; có quyền, có thế là được an toàn, là được yên ổn mọi bề, không ai dám đụng đến “một sợi lông” hay “một sợi tóc” của ta. Nên phải nói thế này cho dễ hiểu: Anh em tưởng Thầy đến để đem bình an như người ta tưởng sao? Không phải thế. Đừng có mơ!!!!!!!

 

  Còn sự chia rẽ là sự đón nhận hay không đón nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

  Do sự đón nhận hay không đón nhận Tin Mừng Nước Thiên Chúa mà có sự chia rẽ. Trong một gia đình, có 5 người, thì 3 người đón nhận, 2 người không đón nhận; hai người chống lại 3 người và 3 người chống lại 2 người. Cũng tương tự vậy, cha chống lại con trai và con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái; con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại con dâu; nàng dâu chống lại mẹ chồng.

 

Sự chia rẽ này do sự chính kiến, tâm thức, quan niệm sống mà ra. Người tin, người không tin; người nghĩ thế này, người nghĩ thế khác; không có tiếng nói chung; không có sự hiệp nhất. Từ đó có thể có chiến tranh hay kình chống nhau, làm cho cuộc sống bất ổn. Như trường hợp Hồng Kông hiện nay, các sinh viên biểu tình và cảnh sát, tức chính quyền xô sát nhau, do bất đồng chính kiến, dù không có chiến tranh.

 

Chúa nói không đem bình an là thứ bình an mà người ta cứ nghĩ là được an toàn, được yên ổn và không có chiến tranh đó. Không. Chúa không đem thứ bình an đó. Những người theo Chúa, những người sống đức tin; những người sống Lời Chúa không bao giờ có sự yên ổn và an toàn cả.

 

Sống đức tin sẽ bị người đời chê bai và ghen ghét. Sống Lời Chúa sẽ bị cho là thua thiệt; yếu thế khi biết hạ mình và sống sống khiêm nhường. Nhưng khi thấy ta được yêu thương và quí mến thì họ lại ghen tỵ và ghen tức. Mình thất bại thì người ta sẽ vui sướng, reo hò; còn khi ta thành công thì họ lại phân bì và nói xấu. Đời là thế đấy!!!!!!!!!!!

 

Như bản thân Chúa chẳng hạn. Chúa còn phải chịu một phép rửa; phép rửa đây chính là cuộc khổ nạn và cuộc phục sinh của Ngài. “Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra; rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”(x. Mt 16,21).

 

Sau khi sống lại, Chúa đã hiện ra nà nói với các môn đệ. Điều đầu tiên Chúa nói là: “Bình cho anh em” (x. Ga 20,19, 21,26). Bình an Chúa ban chính là sự bình an phục sinh, sự bình an trong tâm hồn cơ. Sẽ có sự chia rẽ, sẽ có sự chống đối, sự bách hại; sẽ có sự ghen ghét, ghen tỵ; sẽ có sự nói xấu, nói hành đấy nhưng tâm hồn ta vẫn bình an. Vẫn có sự chia rẽ, phân bì và ghen ghét trong gia đình, bạn bè; trong xã hội thậm chí cả trong Giáo Hội nữa, nhưng ngọn lửa Chúa muốn ném vào trần gian là “Ngọn lửa Thánh Thần”; “Ngọn lửa tình yêu”: “Ngọn lửa yêu thương” và muốn cho lửa đó cháy lên trong lòng mọi người; Chúa muốn Giáo Hội đem Ngọn Lửa đó đến cho thế giới này.

 

Đúng vậy, đó là thứ bình an mà Chúa đem đến. Mỗi người chúng ta hãy có thứ lửa này và hãy mang đến cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Cụ thể là chúng ta tôn trọng hết thảy mọi người không trừ một ai, dù đó là ai hay là hạng người nào, với tư cách họ là một con người. Cũng như tôn trọng hết thảy mọi tôn giáo và niềm tin của họ.

 

Đừng cho mình là nhất, nhưng hãy coi mình như mọi người; cũng đừng cho Giáo Hội mình là số 1, nhưng hãy coi Giáo Hội mình như mọi tôn giáo khác, trên bình diện tôn giáo, chứ không xét đến giá trị. Đương nhiên là mỗi tôn giáo sẽ có những giá trị khác nhau, chứ không như nhau được.

 

Lịch sử đã chứng mình điều đó. Xưa kia, Giáo Hội cho là mình NHẤT, là Số 1, là Number One và coi các tôn giáo khác là sai trái, nên đã xảy ra chiến tranh tàn khốc, tiêu diệt người khác và gây chia rẽ sâu sắc trong thế giới. Sau công đồng Va-ti-can II, Giáo Hội đã sửa sai; đã tìm lại đúng ơn gọi và sứ mạng của mình. Giáo Hội đã xin lỗi những gì đã làm trong quá khứ như việc lên án Ga-li-lê về việc ông nói là trái đất tròn; việc Đức Giáo Hoàng đã xin lỗi Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo sau bao nhiêu năm thù nghịch và việc đối thoại liên tôn; Vv…………..

 

Trong Giáo Hội của Chúa là tuyệt đối không có chuyện nhân danh Chúa để làm hại hay giết hại người khác. Giáo hội là cứu giúp; cứu sống và cứu độ. Nếu không sẽ là giáo hội của con người mà thôi.

 

Là con cái của Chúa và của Giáo Hội, chúng ta noi gương Giáo hội, dù đi đâu, sống ở đâu hay làm việc ở nơi nào, ta đừng gây chia rẽ hay chia bè kéo phái, nhưng hãy nhóm lửa yêu thương. Làm sao cho mọi người yêu thương nhau như anh chị em một nhà; “Tứ hải giai huynh đệ” mà; cùng nhau xây dựng chứ đừng phá rối. Có chia bè thì chia chứ đừng “kéo phái”.

 

Chia bè như đoàn hợp xướng, cùng nhau làm nên một bản hòa tấu du dương, trầm hùng. Trong đoàn hợp xướng đó, có bè thấp, bè cao; có bè trầm, bè bổng. Mỗi người chúng ta là một kiệt tác của Thiên Chúa, có những đặc điểm riêng, có những năng khiếu riêng, có những khả năng riêng mà. Nhờ đó mà sẽ bổ túc cho nhau những gì còn thiếu. Trong công việc, mỗi người một việc và lo hoàn thành tốt công việc của mình.

 

Đừng “kéo phái”, đọc trại ra là đừng “kéo pháo”, để pháo kích nhau, châm chích nhau; nói hành, nói xấu nhau; ganh tỵ nhau; ghen ghét nhau; hơn thua nhau, giành giựt nhau; vì làm như thế như gài “bom tự sát” mà không cần hẹn giờ, nó sẽ phát nổ bất cứ lúc nào không biết. Người ta mà “chết” thì mình cũng “banh xác” thôi.

 

Có làm được và sống như thế, mọi người sẽ được bình an. Đó là thứ bình an Chúa mang đến và muốn cho nó cháy lên trong lòng hết thảy mọi người. Ta hãy tiếp tay với Chúa, cùng hành động với Chúa để cho Ngọn Lửa Yêu Thương; Ngọn Lửa Bình An này cháy lên và cháy mãi, bạn nhé !!!!!!!

 

 Lửa này là Lửa Tình, Lửa Thiêng, không làm cho người ta cháy rụi đâu, chỉ làm cho người ta hạnh phúc và bình an thôi. Đó là thứ LỬA mà ông Mô-sê đã thấy trên núi Khô-rếp đó. Bụi cây cháy mà không rụi, thế mới tuyệt vời chứ, phải không bạn. (x. Xh 3,1-6).

 

Lm. Bosco Dương Trung Tín