Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lên đường loan báo Tin mừng như Thánh Nữ Maria Madalena

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

LÊN ĐƯỜNG LOAN BÁO TIN MỪNG NHƯ THÁNH NỮ MARIA MAĐALÊNA

 

          Hôm nay cùng với Giáo Hội. ta  hân hoan mừng lễ thánh Maria Mađalêna, một Vị Thánh vừa được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nâng lễ nhớ Thánh nữ thành lễ kính. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận tầm quan trọng của Thánh nữ như là “Tông đồ của các Tông đồ".

 

          Thông báo viết : "Qua một bức thư thông báo việc thay đổi này – quy định trong Sắc lệnh ký ngày 03 tháng Sáu năm 2016, nhằm ngày lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu, Đức Tổng giám mục Arthur Roche, Thư ký Bộ Phụng tự thánh và Kỷ luật các Bí tích, viết : quyết định trên đây muốn nói rằng chúng ta “phải suy tư sâu xa hơn về phẩm giá của phụ nữ, về Tân Phúc âm hóa, và về sự cao cả của mầu nhiệm Lòng Chúa thương xót".

 

          Giáo hội Công giáo sẽ lần đầu tiên cử hành Lễ kính Thánh Maria Madalena với bậc Lễ Kính. Thông qua một Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự, vào ngày mồng 03 tháng 06 vừa qua, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã ấn định rằng, kể từ ngày 22 tháng 07 này, Lễ kính Thánh Maria Madalena sẽ được Giáo hội cử hành với bậc Lễ Kính. Trước đây, ngày Lễ này chỉ được cử hành với bậc Lễ Nhớ buộc, tức Lễ bậc III. Vì thế, việc mừng Lễ Thánh Maria Madalena ở bậc Lễ Kính có nghĩa là vị Thánh này đã được nâng bậc.

 

          Như là luận chứng cho việc nâng bậc Lễ đối với Thánh Maria Madalena, Sắc Lệnh của Thánh Bộ Phượng Tự viết: “Thánh Grê-gô-ri-ô Cả Giáo Hoàng đã gọi Thánh Maria Madalena là chứng nhân cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Thánh Thomas Aquino gọi Thánh Nữ là Nữ Tông Đồ của các Tông Đồ. Còn các tín hữu trong thời đại chúng ta có thể tái khám phá ra Thánh Nữ như là mẫu gương cho sứ vụ của phụ nữ trong Giáo hội.”

 

          Với việc được nâng bậc này, Thánh Maria Madalena được Giáo hội mừng kính ngang với các Thánh Tông Đồ trong Phụng Vụ (trừ Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô được cử hành với bậc Lễ Trọng). Ngoài 12 vị Tông Đồ ra, Giáo hội Công giáo chỉ tưởng nhớ tới Thánh Stêphanô Tử Đạo Tiên Khởi, cũng như hai vị Thánh Sử, đó là Thánh Mác-cô và Thánh Lu-ca, ở bậc Lễ Kính mà thôi.

 

          Với việc thay đổi về bậc Lễ, một số chi tiết cụ thể trong Phụng Vụ cũng được thay đổi theo. Học Viện Phụng Vụ của Thụy Sĩ đã nhấn mạnh tới yếu tố Tạ Ơn. Yếu tố này đã trở thành một trong những bài Thánh Ca mà chúng thuộc về một ngày Lễ Kính. Trên Website của mình, Học Viện này đã viết rằng: “Điều đặc biệt rõ ràng chính là cấu trúc của bài ca Tạ Ơn đối với đời sống và sứ vụ của vị Thánh trong các Kinh Tiền Tụng tương ứng, tức trong những Lời Ca khởi đầu phần Phụng Vụ Thánh Thể. Trong các Kinh Tiền Tụng về các Thánh, đời sống của các Ngài được nêu ra như là những nguyên nhân dẫn đến việc ca tụng Thiên Chúa. Vì các Thánh mà Thiên Chúa được cảm tạ và ngợi khen. Trong khi ở phần đầu của Kinh Tiền Tụng, chúng ta nêu ra những lý do để ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa, và chúng ta đứng đối diện với các Thánh, chiêm ngưỡng các Ngài và tạ ơn Thiên Chúa vì các Ngài, thì ở cuối Kinh Tiền Tụng, chúng ta lại đổi bên, chúng ta đặt mình vào hàng ngũ các Thánh, để cùng với các Ngài và các Thiên Thần, chúng ta hát mừng ngợi khen thiên Chúa trong kinh Sanctus, tức Kinh Thánh Thánh Thánh.”

 

          Hiện tại, bản dịch chính thức của Kinh Tiền Tụng về Thánh Maria Madalena vẫn chưa có ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, kể cả trong một số ngôn ngữ quan trọng với Giáo hội, chẳng hạn như tiếng Đức. Sở dĩ như thế là vì người ta phải lưu tâm đến những nét tinh tế của ngôn ngữ. Một trong những khái niệm mang nhiều sắc thái tinh tế nhất trong bản Kinh Tiền Tụng này chính là từ „apostola“ và „apostolatum officiom“. Đây là lần đầu tiên trong một bản văn Phụng Vụ chính thức, một người phụ nữ được mô tả là “apostola” (tạm dịch là Nữ Tông Đồ), và sự tinh tế này đã có ngay ở trong tiêu đề của Kinh Tiền Tụng: “Præfatio: de apostolorum apostola” (tạm dịch là: Kinh Tiền Tụng: Nữ Tông Đồ của các Tông Đồ). Sau đó, trong chính bản văn của Kinh Tiền Tụng này cũng còn được viết rằng, Chúa Ki-tô đã đem lại vinh dự cho Thánh Nữ trước mắt các Tông Đồ qua việc trao cho Thánh Nữ “sứ vụ Tông Đồ”. Thực ra, bởi sự tinh tế của nó, nên thuật ngữ “apostolatus officium” không thể được dịch một cách dễ dàng. Do đó nếu dịch thuật ngữ ấy là “sứ vụ Tông Đồ”, thì cách dịch này cũng chưa đủ rõ ràng.

 

          Thánh sử Luca (Lc 7, 43-48) đã nói đến Maria Madalêna được Chúa Giêsu trừ quỉ cho. Thánh nữ là một trong số phụ nữ đã theo Chúa trong các cuộc hành trình của Người. Hiện diện trên đồi Calvê, ngài cũng thuộc vào số các bà đem dầu thơm đến mồ xức xác Chúa. Ngài là người đầu tiên báo tin cho các môn đệ biết ngôi mộ trống. Trở lại mộ ngay sau đó, ngài đã thấy và nói truyện với các thiên thần. Sau cùng, ngài đã nhận ra Đấng Phục Sinh mà thoạt đầu ngài tưởng là một bác làm vườn (Ga 20, 1-18).

 

          Maria Bêtania, là chị em của Matta và Lazarô đã ngồi dưới chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người, trong khi Matta bận rộn chuẩn bị bữa ăn. Thế mà ngài là người đã chọn phần tốt nhất, phần chiêm niệm (Lc 10,38-42). Khi Chúa Giêsu đến cứu sống Lazarô, thánh nữ vẫn giữ một phần tương tự. Ngài ngồi tại nhà cho tới khi Matta kêu ngài tới gặp "Thầy". Ít ngày sau, ngài đã xức dầu Chúa Giêsu (Mt 26, 6-13).


          Thánh nhân có diễm phúc được đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25), chứng kiến cảnh tượng táng xác Chúa Giêsu, đồng thời cũng là người đầu tiên ra mộ vào ngày thứ nhất trong tuần. Qua đó, chúng ta thấy, đối với Maria Mađalêna, Chúa Giêsu là tất cả, mất Ngài thì thế giới này không còn ý nghĩa gì nữa. Tâm hồn bà chìm trong nước mắt: "Sao bà khóc" (Ga 20, 13.15).

 

           Bước ngoặt đổi mới hoàn toàn cuộc đời Maria Mađalêna khi bà nghe tiếng Đức Kitô gọi: "Maria", tiếng gọi quen thuộc và chứa chan tình thương ấy không chỉ là gọi tên, nhưng vượt xa hơn, đưa bà trở về với thực tại, thực tại thấy Đấng Phục Sinh. Bao thương đau, mất mát, trống rỗng giờ được đong đầy bằng tình yêu, niềm vui mừng, hạnh phúc vì được gặp chính Đức Giêsu Phục Sinh. Mỗi chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi một cách đặc biệt để cộng tác vào chương trình của Chúa bằng những cách thức thật khác nhau. Nhưng như Maria Mađalêna chúng ta đều mang trong mình sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến mọi nơi và cho mọi người, nhất là những người chưa đón nhận Chúa.

 

          Thánh Maria Mađalêna là chứng nhân đầu tiên của việc Chúa sống lại, và là người loan báo Tin mừng ấy cho các Tông đồ.

 

          Thánh nữ Maria Mađalêna là một người phụ nữ rất đặc biệt, bởi vì theo Tin Mừng thánh Máccô thuật lại “Khi Chúa Giêsu  bị kết án tử hình trong một phiên tòa hết sứ bất công, người ta bắt Chúa vác thập giá lên đồi Gongôtha, lúc đó các môn đệ như rắn mất đầu, các ông sợ sệt, nhát đảm, lẩn trốn, họ chỉ đứng xa xa để không ai có thể nhận ra họ. Trên núi Sọ, trên đồi Gongôtha, thánh Máccô viết : "Nhưng cũng có mấy người phụ nữ đứng xa xa mà nhìn, trng đó có bà Maria Mađalêna, bà Maria Mẹ các ông Giacôbê thứ và Gioxết, cùng bà Salômê.Các bà này đã đi theo và giúp đỡ Đức Giêsu khi Người còn ở Galilêa. Lại có nhiều bà khác đã cùng với Người lên Giêrusalem,cũng có mặt tại đó" (Mc 15, 40-41).

 

          Việc các người phụ nữ có mặt trên cuộc hành trình đi lên núi Sọ của Chúa Giêsu, nói lên lòng đạo đức, thánh thiện, nhiệt thành và đồng thời biểu lộ sự can đảm, anh hùng của giới phụ nữ. Các bà không sợ nguy hiểm, không nhát đảm, không thối lui dù rằng các bà biết Thầy mình sẽ phải chết…Tính anh hùng của các người phụ nữ, đặc biệt của Thánh nữ Maria Mađalêna cho chúng ta hay Mađalêna đã được Chúa yêu nhiều, bà hết lòng đáp lại tình yêu vô biên của Chúa. Tội của Thánh nữ lớn lao thật nhưng Tình Thương của Chúa còn to lớn hơn gấp bội, khiến Thánh nữ hết lòng vì Chúa. Ngài không sơ bị bắt bớ, bỏ tù, giết chết nhưng như lời Thánh Phaolô nói : "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi" (2 Cr 5, 14),

 

          Thánh nữ đã có mặt trên mọi nẻo đường Chúa đi. Thánh nữ Maria Mađalêna là người phụ nữ đầu tiên được Chúa Giêsu phục sinh cho biết Ngài đã sống lại (Mc 16, 9). Thánh nữ theo như Thánh Mác cô nói “đã được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ". Cụm từ được Chúa trừ cho khỏi bảy quỷ diễn tả bà mắc phải nhiều tội tầy trời, nhiều tội to lớn. Được yêu nhiều, bà phải đáp trả nhiều. Do đó, bà có mặt dưới chân thập giá cùng với Mẹ Maria và Thánh Gioan. Bà đã ngồi trước mộ Chúa Giêsu cùng với bà Maria vơ ông Clêophas. Chính vì yêu nhiều, đáp trả tình thương vô biên của Chúa, Thánh nữ Maria Mađalêna đã được Chúa hiện ra đầu tiên khi Ngài từ cõi chết sống lại và chính Chúa phục sinh trao cho Thánh nữ sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh cho các môn đệ và nhiều người (Mc 16, 10 ; Ga 20, 17)

 

          Thánh nữ Maria Mađalêna là người đầu tiên được xem thấy Đức Chúa Giêsu phục sinh và là người đầu tiên đem Tin mừng phục sinh đến cho các tông đồ. Thánh nữ có thể giúp chúng ta loan báo cũng Tin mừng ấy qua việc sống cuộc đời vui tươi và đầy lòng tin tưởng.