Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tin Chúa đã sống lại

Tác giả: 
Lm. Nguyễn Văn Quang

 

 

CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH – B

Kính Lòng Thương Xót Chúa

Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31

 

Chủ đề: TIN CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI

 

Lời Chúa: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20,29)

 

Nhập lễ:

 

Kính thưa cộng đòan phụng vụ,

 

Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 2 phục sinh hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra để đem bình an và cũng cố niềm tin cho các Tông đồ, nhất là với ông Tôma, một con người đa nghi và thực nghiệm. Tôma đã xem thấy, đã sờ vào các lỗ đinh và đã tuyên xưng niềm tin Chúa đã sống lại:

 

Tám ngày Chúa lại hiện ra,

Nhờ nơi dấu Thánh Tô - ma tin Người.

Nhưng còn diễm phúc cho ai,

Vững tin Lời Chúa chẳng nài dấu chi,

Lời Người ta quyết thực thi,

Sống nhờ danh Chúa, ai bì được chăng ?

 

Hiệp dâng Thánh lễ kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, xin Chúa cho tâm hồn chúng ta được tràn đầy bình an của Chúa Kitô phục sinh, xác tín niềm tin vào Chúa sống lại để can đảm sống đức tin giữa những nghịch cảnh của cuộc đời. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

 

Sám hối:

 

X. Lạy Chúa, Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia! Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đã sống lại và hiện ra với các Tông đồ để đem bình an và cũng cố niềm tin cho các Tông đồ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.

X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con hãy trở nên chứng nhân Tin Mừng của Đấng Phục sinh. Xin Chúa thương xót chúng con.

Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.

Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

CĐ: Amen.

Suy niệm:

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

 

Chúa Kitô Phục sinh không phải là sự kiện hiển nhiên có thể được chấp nhận dễ dàng. Ngay tâm trạng hoài nghi của các Tông đồ, nhất là của Tôma. Những ám ảnh về cuộc thương khó và khổ nạn của Chúa Kitô vẫn còn in đậm trong tâm trí của các Tông đồ. Ám ảnh này làm các Tông đồ chán nản và sợ sệt, nhưng Thiên Chúa đã kiên nhẫn giúp họ dần dần tiến sâu vào mầu nhiệm Phục sinh khiến họ phải reo ca lên: Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia!

 

Thưa anh chị em, Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia! Niềm vui này khởi đi từ các Tông đồ, “các ông vui mừng vì xem thấy Chúa”, và cũng là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Vui vì nhờ cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Kitô, chúng ta được thông phần vào đời sống mới, với tư cách là con cái Thiên Chúa, được đồng thừa tự với Chúa Kitô. Nếu sự chết là nỗi sợ hãi nhất của con người thì sự Phục sinh là niềm hy vọng lớn nhất cho kiếp người chúng ta. Sự nghi ngờ của các Tông đồ, lòng cứng tin của Tôma giờ đây đã trở nên bằng chứng đầy thuyết phục đối với chúng ta, và chúng ta vinh dự được lãnh nhận niền tin vào Chúa Kitô Phục sinh không phải bằng giác quan nhưng nhờ ân sủng “phúc cho ai không thấy mà tin”. Nhờ tin vào Chúa Kitô Phục sinh, các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã quây quần bên nhau hợp nhất cầu nguyện, đồng tâm nhất trí với nhau. Sự đồng tâm nhất trí không chỉ trong tư tưởng, lời nói mà được thể hiện trong việc chia sẻ của cải vật chất, sẵn sàng góp công góp của, coi mọi sự làm của chung. Các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đã làm chứng cho nhau bằng chính đời sống đức tin mạnh mẽ, đời sống cầu nguyện sống động và đời sống bác ái chân thành. Chính cuộc sống yêu thương hiệp nhất về tinh thần và vật chất này sẽ trở thành lời mời gọi mọi người đón nhận Tin mừng Chúa Kitô Phục sinh. “Cứ dầu này chúng ta nhận biết chúng ta là con cái Thiên Chúa là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thực hành các giới răn của người”. Lòng tin luôn vượt quá những gì chúng ta có thể chứng minh. Lòng tin vào Chúa Kitô Phục sinh mời gọi chúng ta phải dấn thân tin tưởng và hoán cải để có thể gặp được Đấng Phục sinh vẫn đang hiện diện trong đời sống mỗi người chúng ta.

 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em

 

Chúa nhật hôm nay được gọi là Chúa nhật của Lòng Thương Xót Chúa. Giáo hội kính Lòng Thương Xót của Chúa. Giáo hội mời gọi chúng ta hãy sám vì những thiếu sót và lầm lỗi của mình để có thể từ đó cảm nghiệm sâu xa về tình yêu và Lòng Thương Xót của Người. Thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa, Thiên Chúa là Tình Yêu. Nếu tình yêu là bản tính của Thiên Chúa thì Lòng Thương Xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu của Ngài đối với kẻ tội lỗi.

 

Có câu chuyện kể rằng, một vị linh mục là một người rất yêu mến Chúa, nhưng ngài luôn bị ám ảnh bởi một tội mà ngài đã phạm trong quá khứ. Ngài đã ăn năn sám hối nhưng vẫn không bình an tâm hồn. Cho tới một hôm nghe nói có một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa trong giấc mơ. Vị linh mục không tin, nên muốn thử bà ta và nói: lần sau bà có nói chuyện với Chúa thì hỏi xem, tôi đã phạm tội gì? Thế là mấy ngày sau gặp lại, vị linh mục đã hỏi bà là Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng, Ta chẳng còn nhớ gì nữa!

 

Ước gì mỗi người chúng ta nhận ra Lòng Thương Xót của Thiên Chúa và nhìn nhận mình là một tội nhân đã được Chúa cứu chuộc bằng giá máu. Đồng thời, nhìn lại thái độ của mình khi đối xử với những người tội lỗi, những người xúc phạm đến mình để từ đó, tỏ lòng xót thương đối với anh chị em mình. Nguyện xin Chúa Kitô là Đấng Phục sinh vinh hiển, Đấng giàu Lòng Thương Xót, xin xót thương và ban ơn bình an cho mỗi người chúng ta. Amen.

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.