Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thiên Chúa thực sự đã Phục Sinh

Tác giả: 
Hoàng Thị Thùy Trang

 

 

THIÊN CHÚA THỰC SỰ ĐÃ PHỤC SINH

 

Có lẽ đến tận hôm nay nỗi lo sợ kinh hoàng trước cuộc tử nạn của Đức Giêsu chưa kịp tan biến thì niềm vui phục sinh lại ùa về trên các tông đồ. Còn gì hạnh phúc hơn khi tìm được điều mình đánh mất. Các tông đồ đã thực sự đánh mất Thầy trong cuộc khổ nạn của Ngài. Và mất Thầy cũng đồng nghĩa là mất tất cả. Tuy nhiên, khi niềm vui phục sinh tràn về thì các ông lại hạnh phúc hơn gấp vạn trăm ngàn lần nỗi đau mà các ông mới trải qua. Trong cuộc khổ nạn, các ông đã mất tất cả thì hôm nay niềm vui phục sinh đã trả cho các ông lại tất cả.

 

          Tất nhiên một khi con người tìm lại được chính điều họ đánh mất thì nỗi hạnh phúc trào dâng sẽ khiến họ dễ quên đi tất cả. Mầu nhiệm của hạnh phúc là vậy. Khi con người nắm giữ hạnh phúc trong tầm tay, họ nhất định chả bao giờ nghĩ đến đau khổ trong quá khứ. Bởi đó là điều khiến họ không muốn nghĩ đến. Điều họ luôn luôn để tâm chính là cái hạnh phúc mà họ đang tận hưởng.

 

          Khi biết các tông đồ đang còn hoang mang lo sợ trước cuộc khổ nạn, thì Đức Giêsu, Đấng toàn thắng sự chết đã xuất hiện. Ngài đến bên các tông đồ để trao lại bình an mà các ông đánh mất: “Bình an cho anh em!” (Ga 20, 19) Nếu như ai đó một lần trong đời sa ngã phạm tội mới hiểu thấu tầm quan trọng của bình an như thế nào. Ở đâu cũng vậy, môi trường nào cũng thế, nếu như không có bình an thì cuộc sống chả bao giờ phát triển. Việc bất bình an khiến cho con người rơi vào tình trạng thật khốn đốn. Ngược lại, khi có bình an, cũng chính là khi người ta thanh thản. Và làm gì có phạm nhân nào thanh thản trước tội lỗi của mình đâu chứ.

 

          Bình an của Đức Giêsu là một mầu nhiệm. Có được bình an của Thiên Chúa cũng chính là có được niềm tin và tình yêu của Ngài. Thế nên, sau khi trao chúc bình an, Đức Giêsu đã sai các tông đồ lên đường loan truyền tình yêu thương cứu độ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20, 21)

 

          Mục đích của Đức Giêsu khi đến trần gian này không gì khác hơn là loan truyền tình yêu thương của Thiên Chúa. Và không chỉ riêng mình, Ngài muốn tất cả mọi người ai ai cũng đều trở thành sứ giả loan truyền tình yêu cứu độ. Để không chỉ riêng ai nhưng là tất cả mọi người, ai ai cũng có thể lãnh nhận được tình yêu thương vô biên ấy.

 

          Chỉ khi nào có được niềm vui phục sinh thực sự, người ta mới có thể trở nên nhân chứng hoàn hảo cho tình yêu cứu độ. Niềm vui phục sinh cũng chính là niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu. Ngày nay người ta ca rao về tình yêu phục sinh nhưng không dám sống đúng với niềm vui của mình. Thiên Chúa không bao giờ để con người chịu thua thiệt, không bao giờ Ngài kém lòng quảng đại đối với con người, nhưng hoàn toàn ngược lại, Ngài còn quảng đại gấp trăm ngàn lần những gì chúng ta dám mơ tưởng. Điều quan trọng là ta có dám tin và sống niềm tin đó hay không mà thôi.

 

          Cũng như Tôma, không ít lần trong đời chúng ta thử thách Thiên Chúa, đòi  hỏi và đặt cược với Ngài. Thiên Chúa không có thời gian để lừa gạt con người, Ngài chỉ có thời gian muốn họ nhận ra tình yêu nhưng không, vô bờ bến mà thôi. Bất hạnh của chúng ta là khộng tin, không dám đặt trọn vẹn niềm tin cho mầu nhiệm tình yêu phục sinh: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” (Ga 20, 25)

 

          Cuối cùng là gì?  Đó là con người sẽ phải chịu khuất phục trước quyền năng và tình yêu thương nhưng không. Cho dù họ có cố chấp không tin vào sự phục sinh của Thiên Chúa cũng như từ chối sự hiện diện quyền năng của Ngài, thì Thiên Chúa vẫn hằng sống và luôn luôn hiện diện, Ngài luôn hoạt động ngay trong thế giới hôm nay.

 

          Tôma đã thốt lên lời ca ngợi Chúa, tuyên tín vào tình yêu của Ngài khi ông đã được đáp thỏa khúc mắc: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28) Đó là một lời tuyên tín đẹp nhất cho tất cả những gì ông đã đánh mất, đã hoài nghi…

 

          Tôma thật diễm phúc bởi nhận ra được sự hiện diện thần linh của Ngài ngay trong đời mình, còn mỗi người chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ làm gì trước thách đố của niềm tin phục sinh trong thế giới hôm nay.

 

          Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, xin giúp con tin rằng Ngài thực đã phục sinh và niềm vui phục sinh sẽ là sức mạnh giúp con vượt thắng tất cả mưu thù thế gian.

 

M. Hoàng Thị Thùy Trang.