Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy ra vùng ngoại biên và trở thành linh mục đường phố

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

HÃY RA VÙNG NGOẠI BIÊN & TRỞ THÀNH “LINH MỤC ĐƯỜNG PHỐ”

 

          Có lẽ nhiều người, trong đó có cả hàng giáo sĩ hết sức ngạc nhiên với cung cách sống của Đức Thánh Cha đương nhiệm. Không cần phải nhiều lời, mọi người đều biết cung cách sống khiêm hạ và đơn sơ của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã nói và làm, đã nói và đã sống, đã nói và đã nêu gương.

 

          Từ cảm hứng từ sự khiêm hạ, ngay từ những ngày khởi đầu Giáo Triều của mình, Đức Thánh Cha đã khước từ những “đặc ân” dành cho vị Giáo Hoàng từ xưa đến nay để trở thành một “tôi tớ của các tôi tớ” thật sự chứ không còn ở trên mặt chữ nữa.

 

          Đặc biệt, với các mục tử, Đức Thánh Cha đã kêu mời các mục tử hãy đi ra “vùng ngoại biên”.

 

          Hết sức tâm tình, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các mục tử: Nếu một linh mục học nhiều về thần học và có nhiều bằng cấp, mà chưa học vác Thập giá Chúa Kitô, thì chưa phải là phục vụ. Người đó có thể là một học giả tốt, có thể là một giáo sư tốt, nhưng người ấy không phải là một linh mục. Các con thân mến, các con làm ơn đừng trở thành những “quý ông”, cũng đừng trở thành những “giáo sĩ kiểu công chức”; nhưng các con hãy trở thành người mục tử, những mục tử của Dân Chúa. (x. bài giảng phong chức linh mục cho 10 thầy Phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày Chúa nhật Chúa Chiên Lành, 07 tháng 05 năm 2017).

 

          Và rồi ta thấy “Đi Ra Vùng Ngoại Biên” đã trở thành câu nói quen thuộc của nhiều tín hữu kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập trong Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”.

 

Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người bước ra khỏi sự quen thuộc hằng ngày của mình để đi đến những nơi, với những người xa lạ ở vùng ven, vùng ngoại biên ...Đây không chỉ là một lối sống thích ứng tích cực trong khuynh hướng toàn cầu hóa hiện nay, nhưng còn là một phương thế, một giải pháp để Tin Mừng Chúa Kitô được rao giảng rộng rãi hữu hiệu hơn. Chính những chuyến “đi ra vùng ngoại biên” đã neo lại nơi tâm hồn người khác nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Ngày nay, nhiều người đã đi ra ngoài khu vực an toàn của mình để “đến vùng ngoại biên” và đã chạm đến những bất công, bất minh, bất chính của trần thế. Từ nơi đó, họ thắp lên ánh sáng của Tin Mừng, của lẽ phải và công lý cho những người “còn ngồi trong bóng tối sự chết” (Lc 1,70).

 

Và mới đây nhất, tại Đền Thờ Thánh Phêrô sáng Thứ Năm 29 tháng 3 năm 2018, Đức Thánh Cha mong muốn trong Lễ Dầu do Ngài cửa hành : “Các linh mục gần gũi, các linh mục có mặt, các linh mục nói chuyện với mọi người… Các linh mục đường phố”.

 

Trong bài giảng thánh lễ, ngài nhấn mạnh: “Linh mục gần với giáo dân, đi giữa bổn đạo mình với tình gần gũi, tình dịu dàng của một mục tử… giáo dân không những yêu mến linh mục hơn, nhưng còn hơn thế nữa: họ cảm thấy nơi linh mục này có một cái gì đặc biệt, một cái gì chỉ có thể cảm nhận nếu có sự hiện diện của Chúa Giêsu”.

 

Và rồi Ngài nói thêm: “Sự gần gũi không phải là một cái gì có thêm, nhưng thật sự là một cái gì như Chúa Giêsu có mặt trong đời sống của nhân loại, chứ không phải chỉ vẫn ở trong ý tưởng, khép kín trong sách vở, nhiều nhất là có một vài thói quen tốt dần dần trở thành thường lệ”.

 

Đức Phanxicô làm rõ căn tính của linh mục : “Sự gần gũi còn hơn là tên của một đức hạnh đặc biệt, sự gần gũi là thái độ liên quan đến toàn diện con người, theo cách người đó xây dựng các mối liên hệ, cùng một lúc mình vẫn là mình, nhưng chú tâm đến người khác”.

 

Đức Phanxicô khẳng định, “các linh mục gần với giáo dân, có mặt với giáo dân, nói chuyện với mọi người… Đó là các linh mục đường phố. Khi giáo dân nói linh mục này ‘gần’, chung chung họ nhấn mạnh đến hai điểm: điểm đầu tiên, ‘cha luôn ở đó’ (khác với linh mục ‘cha chẳng bao giờ ở đó’ và giáo dân hay nói ‘thưa cha, con biết, cha rất bận’). Và điểm thứ hai, linh mục đó có lời để nói với từng người. Giáo dân nói: ‘Cha nói với tất cả mọi người; với người lớn cũng như với trẻ con, với người nghèo cũng như với người không tin…’”

 

Các linh mục gần gũi với giáo dân này theo gương Chúa Giêsu, họ “có thể là một nhà kinh viện hay luật sĩ, nhưng họ muốn họ là người rao giảng phúc âm, người rao giảng đường phố, là sứ giả Tin Mừng cho giáo dân”. 

 

Giữa lời mời gọi của vị Cha chung đáng kính, sẽ có những dòng tư tưởng vâng nghe hay đối nghịch.

 

Tạ ơn Chúa, hết sức gần gũi chúng ta có những hình ảnh giám mục rất bình dị như Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh – nguyên Giám Mục Giáo Phận Kontum.

 

Còn nhớ trong những ngày Tam Nhật Thánh, Đức Cha Micae đã rời khỏi “tòa cao vinh hiển” của mình để đến với những buôn làng xa xôi hẻo lánh để hiện diện với anh chị em dân tộc thiểu số. Dấu chân của Đức Cha Micae vẫn còn ghi khắc trên mọi nẻo đường đến với người nghèo bị bỏ rơi ở những bản làng xa xôi.

 

Đức Phêrô – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long cũng thế ! Ngài không ngại che giấu thân phận của mình là người nhà quê, “chàng chăn vịt” để rồi đến với người nghèo là niềm vui của Đức Cha. Hình ảnh họ đạo người Khmer mang tên Hòa Lạc luôn ở trong tâm trí Đức Cha khi Đức Cha đến ban bí tích Thêm Sức ở cái họ đạo nghèo này. Đức Cha luôn thúc đẩy và mời gọi các linh mục trong giáo phận hãy đến với người nghèo và chính Đức Cha không quản ngại điều mà Đức Cha mời gọi.

 

Mới đây, trong 2 ngày Tam Nhật Thánh, Đức Giám Mục Emmanuel – Giám Mục Giáo Phận Bà Rịa cũng đã không ở “dinh thự” hoành tráng dành cho vị giám mục sở tại. “Cha Sở” Emmanuel đã lên đường, đã ra vùng ngoại biên là họ đạo biệt lập của giáo xứ Sông Xoài để cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly cũng như nghi thức phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh.

 

Hình ảnh đơn sơ và rất đậm nét của một “Cha Sở” bình dị vẫn còn mãi ở Giáo Họ Mông Triệu (giáo xứ Sông Xoài) khi thấy “Cha Sở” cùng với chú giúp Lễ dọn khăn Bàn Thờ sau Thánh Lễ Tiệc Ly.

 

Hình ảnh chân chất của “đức cha hai lúa” Stêphanô Tri Bửu Thiên vẫn còn đâu đó với những ai đã hơn một lần gặp gỡ Đức Cha. Bình dị trên cả bình dị khi tiếp xúc với anh em linh mục và bà con giáo dân của mình.

 

Đâu đó vùng nghèo của Đồng Nai vẫn còn ngửi thấy “mùi chiên” của Đức Giám Mục Giuse Đinh Đức Đạo. Cũng vậy, Đức Cha đã rời khỏi “biệt khu” của mình để đến với anh chị em dân tộc nghèo. Tình cảm và đặc biệt sự hiện diện của Đức Cha đã đánh động lòng người nơi vị chủ chăn đáng kính. Không chỉ quan tâm đến anh chị em dân tộc, Đức Cha Giuse còn đặc biệt quan tâm đến anh chị em di dân và bệnh tật trong Giáo Phận nữa.

 

Và hẳn mọi người còn nhớ một Anphongsô Nguyễn Hữu Long ở giáo phận Hưng Hóa đã vượt suối trèo đèo để mang chút gì đó cho người nghèo. Đức Cha cũng không ngần ngại dâng Thánh Lễ cho bà con vùng nghèo ở mái hiên của một căn nhà đang sụp đổ.

 

Thật vậy, đây là những hình ảnh tiêu biểu của những vị mục tử “nhuốm mùi chiên” hay “linh mục đường phố” hay “ra vùng ngoại biên” theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô.

 

Với tất cả tâm tình, ai ai cũng muốn mình “sở hữu” được những vị mục tử đơn sơ, gần gũi, và “đường phố” chứ chả ai muốn mình gặp phải những công chức thời đại.

 

Và như vậy, ta phải thêm lời cầu nguyện nhiều hơn nữa để các linh mục của Chúa sống sao như là những linh mục như lòng Chúa mong muốn, như những “linh mục đường phố” như Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi.

 

Kính xin các linh mục hãy nhìn lên Giêsu – vị mục tử tối cao và nhìn lên hình ảnh sống động của Đức Thánh Cha Phanxicô để trở thành những linh mục hết sức gần gũi với con chiên, trở thành những “linh mục đường phố” để có thể lắng nghe, thấu hiểu và băng bó những tâm hồn tan vỡ đang ở cạnh các linh mục.