Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngưỡng mộ người "cúi xuống"

Tác giả: 
Người Giồng Trôm

 

 

NGƯỠNG MỘ NGƯỜI “CÚI XUỐNG”

 

          Hơn 2000 năm trước, có một người đã “cúi xuống” từ trời cao để cứu nhân loại tội tình :

 

Trên đồi cao trong gió lao xao gọi lời tình yêu. 

Giêsu gục ngã treo thân thập giá giang cánh tay ôm tội đọa đầy. 

Thân tàn với Con Chúa Trời nghe hồn chợt đơn côi. 

Ôi! Nhân loại hỡi sao chưa hoài tới mà nỡ quên ân tình biển khơi. 

Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian. 

Vì Ngài chỉ đến sống cho tình yêu, chết cho tình yêu 

Để cứu muôn người lỗi tội đưa về trời đẹp tươi. (Đỗ Vy Hạ)

 

          Chỉ vì tình vì tình yêu, trong tình yêu và với tình yêu Giêsu đã xuống thế làm người sống kiếp người và chết trong tủi hờn. Trên đồi cao, chiều hôm đó, Giêsu cúi xuống nhìn nhân loại đang chìm đắm trong tội lỗi và lòng vẫn ao ước “Ta đến để ném lửa vào thế gian và ước mong lửa ấy bừng cháy”. Lửa đó là lửa gì ? Xin thưa đó chính là lửa tình yêu, lửa lòng mến. Và đặc biệt, trước khi tắt thở, Giêsu đã nói một lời tha thiết “Ta khát”. Ta khát Thần Khí Chúa, Ta khát tình yêu Chúa và rồi trút hơi thở cuối cùng phó thác trong tay Thần Khí.

 

          Đến trong trần gian, Giêsu đã mang tình yêu của mình cho trần gian và rồi Ngài những ước mong các môn đệ hãy ra đi, hãy lên đường loan báo Tin Mừng Tình Yêu cho mọi người, cho mọi nước, cho mọi dân : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”.

 

          Thời đại này, ta tạ ơn Chúa vì Thần Khí Chúa đã gửi đến cho ta, cho nhân loại một vị giáo hoàng hết sức đặc biệt mang tên Phanxicô. Đức Thánh Cha, ngày mỗi ngày không ngồi trên ngai tòa của mình mà Ngài cúi xuống, đến với những con người nghèo.

 

          Trong các chuyến tông du, đối tượng mà Đức Thánh Cha Phanxicô nhắm tới đó là những người khuyết tật, những khu nhà ổ chuột ... Khách mời cơm của Đức Thánh Cha là những người vô gia cư ... Và Đức Thánh Cha trong tư cách là một linh mục, Đức Thánh Cha đã đến các gia đình để làm phép nhà cho họ. Những hình ảnh, những cái bắt tay, những nụ hôn trìu mến vẫn còn đó trên vị cha chung đáng kính của chúng ta.

 

          Và, ở tại Giáo Hội nhà, Giáo Hội Việt Nam chúng ta, một hình ảnh mà gần đây rộ lên cũng như để lại nhiều dấu ấn đó chính là Đức Khâm Sứ Leopoldo Girelli. Ở cái tuổi không cao nhưng cũng không còn trẻ khỏe nữa nhưng rồi ta thấy Đức Khâm Sứ trong thời gian gần đây đã dấn thân, đã hiện diện tới những vùng nghèo và những gia đình có hoàn cảnh. Dường như cả nước từ miền cao đến vùng biển và vùng ven biển của Sài Thành, hình ảnh của một người ngồi xuống và cúi xuống với người nghèo vẫn là dấu ấn đẹp của người mục tử của Thầy Giêsu.

 

          Tưởng chừng với những hạn chế của tuổi tác và những hạn chế ngoại cảnh, sẽ làm chùn bước của Đức Leopoldo Girelli nhưng rồi Ngài vẫn hiện diện trên mọi nẻo đường. Có khi ta thấy Ngài dong duỗi trên chiếc xe máy cày ở vùng cao Giáo Phận Kontum và rồi có khi lại thấy đơn sơ trên chiếc nón bảo hiểu ngồi trên xe máy để đến với người nghèo. Và, cảm động nhất chính là những hình ảnh phải vượt qua những ngõ ngách của vùng truyền giáo An Thới Đông và đến với những trẻ khuyết tật ở mái ấm Thanh Tâm. Mới đây, Đức Leopoldo Girelli xuất hiện trong chiếc ghe của một gia đình nghèo vùng biển thuộc giáo phận Thái Bình cùng với vị chủ chăn của Giáo Phận.

 

          Những hình ảnh cúi xuống của những vị chủ chăn đứng đầu của Giáo Hội làm cho ta phải suy nghĩ nhiều về ta cũng như các vị mục tử của nước nhà.

 

          Gần đây, có dịp, chúng tôi đến với nước bạn Lào. Dấu chân của các vị mục tử người Pháp và Canada vẫn còn đó. Vượt suối, băng rừng và sống ở những vùng thiêng nước độc và có vị tử đạo tại đó và mới được phong Thánh. Đi lại hành trình các vị ngày xưa, chúng tôi cảm nhận được sự hy sinh vô bờ bến của các ngài trong hành trình truyền giáo, các ngài dù ở nước văn minh nhưng đã cúi xuống với những người nghèo và đau khổ.

 

          Qua cung cách sống của những bậc chứng nhân chứ không phải thầy dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Leopoldo Girelli làm cho ta vững tin rằng hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng thương xót vẫn còn hiện diện nơi đời các mục tử. Và, ta lại tiếp tục cầu nguyện cho các vị mục tử không chỉ trong ngày khánh nhật truyền giáo mà trong mọi ngày trong đời ta để ta có nhiều và nhiều vị mục tử nhuốm mùi chiên, nhiều vị mục tử giàu lòng thương xót như các vị chủ chăn đang sống quanh ta và đang sống gần ta.