Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chúa nhật lễ Lá và Tam Nhật Thánh

Tác giả: 
Lm. Nguyễn Văn Quang

 

DẪN LỄ

CHÚA NHẬT LỄ LÁ VÀ TAM NHẬT THÁNH

-------------------------

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Is 50, 4-7; Pl 2, 6 -11; Mt 26,14-27,66

 

 

 

I. Nghi thức

 

Nghi thức trong Thánh lễ hôm nay, gồm:

 

- Làm phép và rước lá.

- Kết thúc phần rước lá là Lời nguyện Nhập lễ.

- Phụng vụ Lời Chúa với hai bài đọc và bài Thương Khó.

- Phụng vụ Thánh Thể.

 

II. Lời dẫn:

 

1. Dẫn đầu lễ

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

 

Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta bước vào Tuần Thánh bằng việc cử hành phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá. Phụng vụ hôm nay gồm hai phần : cử hành nghi thức tưởng nhớ Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem và Thánh lễ tưởng niệm hy tế của Người.

 

Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem như là dấu chỉ báo trước chiến thắng vinh quang chung cuộc sau khi Người đã đi trọn con đường Khổ Nạn đểø hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua.

 

Vì thế, cử hành phụng vụ hôm nay vừa tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, vừa mời gọi chúng ta can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Người đã đi xưa.

 

Giờ đây chúng ta cùng tham dự Nghi thức làm phép và rước lá. Chúng ta cùng hân hoan tung hô Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và hăng hái theo Người vượt qua những khổ đau để tiến vào vinh quang Phục sinh.

 

2. Nghi thức làm phép lá:

 

- Sau lời mời gọi của chủ tế, cuộc rước bắt đầu. Người dẫn lễ đọc:

 

Dân Do Thái xưa tay cầm cành lá đi đón và tung hô Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Vua Đavít. Hôm nay, trong tâm tình khai mạc Tuần Thánh, cộng đoàn chúng ta cùng làm lại cử chỉ đó để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Vua vinh hiển, chính Người là Đấng Cứu Thế của nhân loại. “Vạn tuế Con Vua Đavít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.

 

- Ca đoàn hát bài phù hợp:

 

3. Phụng vụ Lời Chúa:

 

* Bài đọc 1: Is 50, 4-7

 

Tiên tri Isaia mô tả người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, tuy bị nhục mạ nhưng vẫn hiên ngang can đảm chấp nhận. Đó là lời tiên báo về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô trong thời Tân Ước.

 

* Bài đọc 2: Pl 2, 6 -11

 

Mầu nhiệm Cứu Độ được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự hạ và vâng phục Thiên Chúa cho đến chết trên Thập giá. Người trở nên gương mẫu cho tất cả những ai muốn sống hiệp thông trong ơn Cứu Độ.

 

4. Phụng vụ Thánh Thể như thường:

 

 

ĐẠI TAM NHẬT VƯỢT QUA

--------------------

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THÁNH LỄ TIỆC LY

Xh 12, 1-8. 11-14; 2: Cor 11,23-26; Ga 13,1-15

 

 

 

I. Nghi thức:

 

Nghi thức trong Thánh lễ chiều nay, gồm:

 

- Nghi thức nhập lễ và phần Phụng vụ Lời Chúa.

- Nghi thức rửa chân.

- Phần Phụng vụ Thánh Thể.

- Nghi thức kiệu Mình Thánh và lột khăn bàn thờ.

 

II. Lời dẫn:

1. Dẫn đầu lễ:

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

 

Với Thánh lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu chiều nay, Giáo Hội bắt đầu tuần Tam Nhật Thánh. Trong Thánh lễ này, Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể cùng với chức Linh mục và ban giới răn mới: giới răn yêu thương.

 

Trong tâm tình tạ ơn sâu xa vì quà tặng cao quý mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta là chính Mình và Máu Thánh Người. Giờ đây, chúng ta cùng hiệp ý thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ trong thánh lễ này.

 

2. Phụng vụ Lời Chúa:

* Bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14

 

Bài trích sách Xuất Hành chúng ta sắp nghe, cho thấy lễ Vượt Qua của người Do Thái là hình ảnh báo trước lễ Vượt Qua của Kitô giáo, trong đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của Thiên Chúa đã chịu sát tế để đem lại ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại.

 

* Bài đọc 2: 1Cor 11,23-26

 

Trong bài đọc chúng ta sắp nghe, Thánh Phaolô tường thuật lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly. Ngài nhấn mạnh Hy tế Thập giá của Chúa chính là hy tế cứu độ cho toàn thể nhân loại.

 

3. Nghi thức Rửa Chân:

Giờ đây là Nghi Thức Rửa Chân.

 

Cha chủ tế làm lại cử chỉ chính Chúa Giêsu đã làm nơi phòng Tiệc Ly năm xưa. Rửa chân là công việc của người đầy tớ làm cho chủ. Chúa Giêsu là Chúa, là Chủ nhưng đã nhận lấy công việc thấp hèn của một người tôi tớ. Qua cử chỉ này Chúa Giêsu đã cụ thể hóa giới răn mới là yêu thương phục vụ trong khiêm tốn. Chính Con Thiên Chúa đã hạ mình trở nên hiến tế cho nhân loại. Người để lại mẫu gương tuyệt hảo cho những ai muốn tiếp bước theo Người.

 

4. Lời Nguyện Chung:

Mời cộng đoàn đứng dâng Lời Nguyện Chung.

 

5. Phụng vụ Thánh Thể:

 

6. Kiệu mình thánh chúa sang bàn thờ phụ:

 

Kính thưa cộng đoàn,

Giờ đây, chúng ta cùng bắt đầu nghi thức kiệu Mình Thánh Chúa sang bàn thờ phụ, nghi thức này nói lên việc Chúa Giêsu, trong nỗi lòng xao xuyến và buồn thảm, cùng các tông đồ từ Nhà Tiệc Ly đi sang vườn Cây Dầu để cầu nguyện và đón chờ cuộc Vượt Qua cứu độ nhân loại, theo thánh ý Chúa Cha. Vì vậy, chúng ta cùng tham dự và hướng lòng về đoàn kiệu, để cùng với Chúa Giêsu đi vào giờ cầu nguyện với Ngài trước sứ vụ Thiên Chúa Cha trao phó.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA KITÔ

Is 52,13-53,12; Dt 4,14-16;5,7-9; Ga 18,1-19,42

 

I. Nghi thức:

 

Nghi thức chiều nay gồm:

 

- Phụng vụ Lời Chúa:

 

+ Hai bài đọc và bài Thương khó

 

+ Lời nguyện chung (gồm 10 lời nguyện)

 

- Tôn kính Thánh Giá

 

- Rước lễ

 

II. Lời dẫn:

 

1. Lời dẫn đầu:

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

 

Theo truyền thống Phụng vụ, hôm nay và ngày mai Giáo Hội không cử hành Bí tích nào cả. Nhưng chiều nay, Giáo Hội đặc biệt mời gọi chúng ta cùng họp nhau để cử hành tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu.

 

Nghi thức Phụng vụ chiều nay gồm ba phần:

 

- Phụng vụ Lời Chúa

- Tôn kính Thánh Giá

- Và rước lễ

 

Với phần Phụng vụ Lời Chúa, đặc biệt qua bài Thương Khó, Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mà đỉnh cao là cái chết của Ngài trên Thập giá vì nhân loại chúng ta. Cùng với các lời nguyện chung được đọc cách trọng thể liền sau đó, Giáo Hội cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa và cho các nhu cầu khác của nhân loại, nhằm thể hiện ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã đem đến cho nhân loại qua cái chết của Người. Với phần tôn thờ Thánh giá, Giáo Hội biểu lộ lòng tôn kính đối với Đấng đã thực hiện ơn cứu rỗi cho nhân loại và kêu mời tất cả mọi người quy phục Thánh giá Chúa Kitô như là giá cứu chuộc nhân loại. Và sau cùng, qua việc rước lễ, Giáo Hội giúp các tín hữu tham dự trọn vẹn vào hy tế Thập giá của Chúa Kitô.

 

Tham dự các cử hành phụng vụ chiều nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm Thập giá và sự chết của Chúa Kitô. Giờ đây, xin kính mời cộng đoàn đứng bắt đầu buổi cử hành phụng vụ.

 

2. Phụng vụ Lời Chúa:

 

- Khi chủ tế phủ phục, người dẫn lễ đọc:

 

Cùng với chủ tế chúng ta hồi tâm và cầu nguyện.

 

* Bài đọc 1: Is 52, 1-53, 12

 

Trong bài đọc mà chúng ta sắp nghe, tiên tri Isaia mô tả về Đấng Cứu Thế, qua hình ảnh người tôi tớ đau khổ, nhờ Người mà chúng ta được chữa lành và được hòa giải với Thiên Chúa.

 

* Bài đọc 2: Dt 4, 14-16; 5, 7-9

 

Tác giả thư gởi tín hữu Do-thái trong bài đọc sau đây, trình bày Đức Kitô là vị Thượng tế luôn cảm thông với tất cả những ai gặp gian truân sầu khổ. Người hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, nên lời cầu bầu của Người cho chúng ta được Thiên Chúa chấp nhận.

 

* Trước lời nguyện chung

 

Xin mời cộng đoàn đứng, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin cho các nhu cầu của Giáo Hội và nhân loại.

 

3. Tôn kính Thánh Giá:

 

* Dẫn vào nghi thức:

 

Giờ đây, với lễ nghi tôn kính Thánh Giá, Giáo Hội biểu lộ lòng tôn thờ Chúa Kitô, Đấng đã dùng cái chết trên Thập giá để cứu chuộc nhân loại. Với tất cả niềm tin yêu cảm mến, chúng ta cùng sốt sắng tham dự.

 

* Đọc suy niệm khi cộng đoàn hôn kính Thánh Giá (có thể đọc xen kẽ với bài hát):

 

1. Khi suy tôn Thánh giá, chúng ta không suy tôn hai thanh gỗ xếp hình chữ thập, nhưng là chúng ta suy tôn chính Đấng chịu đóng đinh vào Thập giá. Người là Đấng vô tội, là Con Thiên Chúa làm người, là Đấng yêu mến và hiến mạng sống vì chúng ta (Gal 2, 20). Chúng ta không suy tôn đau khổ và cái chết, nhưng chúng ta suy tôn Tình Yêu: Tình yêu của Cha dám trao cho thế gian Người Con Một duy nhất. Tình yêu của Con dám sống hết mình cho Cha và anh chị em. Đau khổ và cái chết là cái giá phải trả cho một Tình Yêu hiến mạng sống vì người mình yêu.

 

2. Phải chăng Thập giá là một thất bại của Tình Yêu. Quà tặng của Cha bị loài người từ khước: Người Con yêu dấu bị làm nhục và đóng đinh. Quà tặng của Con bị loài người coi thường. Con chẳng đáng giá bằng tên sát nhân Baraba. Thiên Chúa bị coi như thất bại vì quá khiêm tốn. Ngài để cho con người có tự do chối từ. Ngài đau đớn lặng thinh khi Con Ngài hấp hối.

 

3. Thế nhưng Thập giá lại là một thành công của Tình Yêu. Nơi Thập giá tội ác của con người lên đến cao điểm. Cũng nơi Thập giá Tình yêu của Thiên Chúa lên đến tột cùng, và Tình Yêu đã thắng tội ác, sự sống thắng sự chết, ánh sáng thắng bóng tối và tha thứ thắng hận thù. Thiên Chúa không đưa Đức Giêsu xuống khỏi Thập giá, nhưng đưa Người ra khỏi nấm mồ hiu quạnh. Và cũng từ đó thất bại của Thập giá đã biến thành chiến thắng. Thập giá trở thành thánh giá đem lại sự sống đời đời.

 

4. Cha thánh Gioan Maria Vianney đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất, chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm cuốn sách này thì mới thực sự là người thông thái".

 

Thập giá của Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất bởi vì đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu: "Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì người mình yêu". Từ một hình cụ độc ác mà con người nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến chúng trở thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu trao hiến cho cả nhân loại.

 

Khi suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì đã cho chúng ta đi vào Mầu Nhiệm của Tình Yêu. Trong Mầu Nhiệm đó cuộc sống chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặng của những đau khổ, nhưng luôn mang một ý nghĩa mới, ý nghĩa Tình Yêu.

 

4. Hiệp lễ:

 

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta vừa cùng nhau tham dự nghi thức tôn thờ Thánh Giá Chúa Kitô, giờ đây Giáo Hội mời gọi chúng ta sốt sắng tham dự phần hiệp lễ, để qua đó chúng ta được tham dự trọn vẹn vào Hy Tế Cứu Độ của Chúa Kitô.

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

St 1,1 -2,2; Xh 14,15- 15,1a; Is 55, 1-11; Ed. 36,16-17a.18-28; Rm 6,3-11; Mt 28,1-10

 

I. Nghi thức:

 

Phụng vụ đêm Vọng Phục Sinh gồm 4 phần:

 

1. Làm phép lửa mới và rước nến Phục sinh

2. Phụng vụ Lời Chúa

3. Phụng vụ Thánh tẩy

4. Phụng vụ Thánh Thể

 

II. Lời dẫn:

 

1. Một vài lưu ý Cộng đoàn (Đọc trước khoảng 5 phút)

 

Kính thưa Cộng đoàn,

 

Trong buổi cử hành Canh Thức Vọng Phục sinh này, xin được lưu ý cộng đoàn khi rước nến Phục sinh và trong khi lặp lại lời tuyên hứa của Bí Tích Rửa Tội, xin Cộng đoàn thắp sáng nến của mình từ chính ngọn lửa của nến Phục sinh.

 

2. Dẫn đầu lễ:

 

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

 

Theo truyền thống phụng vụ, đêm nay Canh Thức, đêm mà toàn thể Giáo hội hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô Phục sinh.

 

Phụng vụ Đêm Vọng Phục sinh gồm 4 phần:

 

- Phụng Vụ làm phép Lửa mới và Nến Phục sinh.

 

- Phụng Vụ Lời Chúa.

 

- Phụng Vụ Thánh tẩy.

 

- Và sau cùng là Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Bốn phần này liên hệ chặt chẽ với nhau: khi Ánh Sáng của Nến Phục sinh bừng lên, tượng trưng cho Chúa Kitô chiến thắng bóng đêm tội lỗi, Giáo Hội suy niệm các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm cho dân ngay từ  đầu. Tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa nơi Đức Kitô, những người anh chị em dự tòng được tái sinh trong Bí tích Thánh tẩy, và toàn thể dân Chúa được mời gọi vào bàn tiệc Thánh Thể của Đức Kitô.

 

Giờ đây, trong tâm tình hân hoan cảm tạ, chúng ta cùng bước vào phần thứ nhất của buổi canh thức:

 

3. Làm phép Lửa mới và kiệu nến Phục sinh:

 

Qua việc làm phép lửa mới và kiệu nến Phục sinh, Giáo Hội tuyên xưng Chúa Kitô chính là Ánh Sáng muôn dân, là Đấng phá tan bóng đêm tội lỗi đang bao trùm nhân loại, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống đời đời.

 

- Chủ tế chào dân chúng như thường lệ

 

- Làm phép lửa (chuẩn bị: cây bút bi, 5 hạt hương)

 

- Rước kiệu nến Phục sinh.

 

(Khi chủ tế hát “Ánh Sáng Chúa Kitô” lần thứ hai mới châm nến cho cộng đoàn từ nến Phục sinh, và lần thứ ba mới bật sáng các điện)

 

* Công bố Tin Mừng Phục Sinh: Khi cộng đoàn đã vào nhà thờ tương đối đông đủ, người dẫn lễ đọc

 

Giờ đây, chúng ta cùng hân hoan tán dương Thiên Chúa, Đấng đã thực hiện những việc lạ lùng cho nhân loại qua Chúa Kitô. Để biểu lộ niềm hân hoan này, chúng ta cùng hướng về cây nến Phục sinh và cất lời ca tụng Chúa Kitô, Ánh Sáng vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta.

 

(Hát Exultet)

 

4. Phần Phụng vụ Lời Chúa: Sau khi công bố Tin Mừng Phục sinh, người dẫn lễ đọc:

 

Sau đây, chúng ta sẽ được nghe các trình thuật về những việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài từ xa xưa. Khi nghe những bài sách Thánh này, chúng ta hợp với anh chị em dự tòng trên khắp thế giới, sống giai đoạn giáo huấn cuối cùng trước khi lãnh các Bí Tích khai tâm Kitô giáo.

 

- Các bài đọc Cựu ước có thể đọc hết bảy bài nhưng vì lý do mục vụ có thể đọc những bài được gợi ý sau đây.

 

- Sau lời mời gọi của chủ tế, người dẫn lễ đọc:

 

Mời cộng đoàn ngồi.

 

* Bài đọc 1: St 1,1 -2,2

 

Bài trích sách Sáng Thế chúng ta sắp nghe, trình bày việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất và loài người. Dưới mắt Ngài, “mọi sự đã được tạo thành: thật là tốt đẹp”.

 

- Sau bài đọc 1, hát đáp ca

- Chủ tế đọc lời nguyện (đứng)

 

* Bài đọc 3: Xh 14,15- 15,1a

 

Lời Chúa trong sách Xuất hành, tường thuật việc dân Do Thái bình an vượt qua Biển Đỏ khô cạn. Đây chính là hình ảnh cuộc giải thoát mới mà Chúa Kitô sẽ mang lại cho mỗi người chúng ta.

 

- Sau bài đọc 3, hát đáp ca

- Chủ tế đọc lời nguyện (đứng)

 

* Bài đọc 5: Is 55, 1-11

 

Trong bài đọc chúng ta sắp nghe, tiên tri Isaia loan báo một thời kỳ mới: Thời kỳ Thiên Chúa sẽ ký kết một giao ước vĩnh cửu, với những hồng ân mà Ngài đã hứa cho nhà Đavít.

 

- Sau bài đọc 5, hát đáp ca

- Chủ tế đọc lời nguyện (đứng)

* Bài đọc 7: Ed. 36,16-17a.18-28

 

Vì tội lỗi của mình, dân Chúa đang phải sống lưu vong tản mác giữa các dân ngoại. Nhưng Thiên Chúa khơng quên giao ước của Người, Người hứa sẽ quy tụ họ về, thanh tẩy họ, ban cho họ một trái tim mới, đặt Thần Khí của Người trong họ. Chúa Ki-tô phục sinh thực hiện hòan tòan lời hứa đó: Người kêu gọi ta từ khắp muơn dân, dội nước Thánh Tẩy trên ta, để tha tội và ban ơn Thánh Thần, nhờ đó ta được một trái tim mới, để có thể gọi Thiên Chúa là Cha. “Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới”.

 

- Sau bài đọc 7, hát đáp ca

 

- Chủ tế đọc lời nguyện (đứng)

 

(Sau bài đọc cuối cùng trích trong sách Cựu ước, cùng với Thánh Vịnh và lời nguyện, thì đốt nến bàn thờ, Cha chủ tế xướng Kinh Vinh Danh, mọi người cùng đọc (hát), trong lúc đó rung chuông theo thói quen địa phương).

 

* Kinh Vinh Danh

 

- Rung chuông

 

- Chưng bông và thắp các nến trên bàn thờ

 

- Sau kinh Vinh Danh, chủ tế đọc lời nguyện nhập lễ.

 

* Bài Thánh Thư: Rm 6, 3-11

 

Bài đọc chúng ta sắp nghe ghi lại lời nhắn nhủ của Thánh Phaolô với mỗi người chúng ta: nhờ Bí Tích Thánh tẩy, chúng ta cùng chết và sống lại với Chúa Kitô.

 

- Dứt bài Thánh Thư, mọi người đứng, Chủ tế long trọng xướng ba lần “Alleluia, và mọi người lặp lại sau mỗi lần.

 

- Sau đó, hát đáp ca “Hãy cảm tạ Chúa – Alleluia”. Cộng đoàn vẫn đứng.

 

- Hát xong, nếu có thầy Phó tế, thầy Phó tế xin phép lành và ra đọc Phúc Âm ngay, không có câu xướng trước Phúc Âm, không mang đèn hầu, chỉ mang hương lửa.

 

- Cộng đoàn ngồi, Chủ tế giảng.

 

5. Phần Phụng vụ Thánh tẩy: Sau bài giảng, khi giúp lễ đang chuẩn bị giếng Thánh tẩy, người dẫn lễ đọc

 

Giờ đây, với cây nến được thắp sáng từ ngọn nến Phục sinh trong tay, chúng ta long trọng lặp lại lời tuyên hứa khi chịu Phép Thánh tẩy và tuyên xưng lại đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi tuyên xưng đức tin như thế, chúng ta liên kết với các anh chị em dự tòng lãnh nhận các bí tích khai tâm trong đêm nay, để cùng với họ, chúng ta làm chứng cho mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô trong cuộc sống hằng ngày.

 

Mời cộng đoàn đứng.

 

- Chủ tế đọc lời nguyện làm phép nước.

 

- Chủ tế kêu gọi lặp lại lời tuyên hứa Phép Thánh tẩy.

 

- Đi rảy nước Thánh (hát : Tôi đã thấy nước....)

 

- Sau đó, giúp lễ cất nước đã làm phép, Chủ tế trở về đọc

 

* Lời Nguyện Chung:

 

6. Phần Phụng vụ Thánh Thể:

 

Mời Cộng đoàn ngồi.

 

Giờ đây, trong tâm tình hân hoan mừng Chúa Phục sinh, chúng ta bước vào phần Phụng Vụ Thánh Thể.

 

Chúa đã sống lại thật rồi. Alleluia!

 

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.